Tình thế đã đảo ngược
Trong cuộc bầu cử cách đây 8 năm, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình phản đối ông Donald Trump vì những phát ngôn “gây sốc” về vấn đề nhập cư, sắc tộc và bình đẳng giới của cựu Tổng thống. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu “Không phải tổng thống của tôi" (Not My President), làm gián đoạn các bài phát biểu và gây xung đột tại các sự kiện tranh cử có cựu Tổng thống tham gia.
Vào tháng 3/2016, ông Trump đã buộc phải hủy bỏ một cuộc vận động tranh cử ở Chicago sau khi những người biểu tình kích động tràn vào sân vận động nơi ông chuẩn bị phát biểu. Cơ quan mật vụ Mỹ đã được huy động để bảo vệ ứng cử viên Tổng thống trong các sự kiện phát biểu trước công chúng.
Nhưng đó đã là câu chuyện quá khứ.
Khi cựu Tổng thống tái tranh cử với một chương trình nghị sự được cho là cực đoan hơn hai chiến dịch trước đó, các cuộc biểu tình rầm rộ lại có dấu hiệu giảm bớt. Ngoài một vài người biểu tình xuất hiện bên ngoài tòa án New York vào tuần trước và trong sự kiện tranh cử tại Green Bay (Wisconsin) vào hôm 3/4, ông Trump gần như đã có một chiến dịch suôn sẻ.
Ngược lại, xung đột ở Trung Đông dường như đang khiến mũi rìu dư luận lại đang hướng về phía ông Biden. Ông Biden đang phải đối mặt với cơn giận giữ của cử tri vì đã ủng hộ chính quyền Israel trong cuộc chiến tại Gaza.
Vào tuần trước, một số người biểu tình đã xông vào buổi gây quỹ của ông Biden với hai người tiền nhiệm Barack Obama và Bill Clinton tại New York, trong khi hàng trăm người khác bao vây bên ngoài. Trong sự kiện tranh cử tại Wisconsin gần đây, bài phát biểu dài 22 phút của ông Biden cũng bị gián đoạn không dưới chục lần bởi những người biểu tình kêu gọi ngừng bắn ở Gaza.
Ông Thomas Kennedy, người đã tham gia hơn chục cuộc biểu tình chống lại cựu Tổng thống, nay đã thay đổi mục tiêu sang ông chủ Nhà Trắng Joe Biden. Ông Kenedy cho biết, giống như ông, nhiều người từng phản đối ông Trump cũng đang “dồn sức lực vào việc phản đối chiến tranh ở Gaza”.
Ông Biden có nên lo ngại?
Các cuộc biểu tình có thể đã trở nên quen thuộc với cựu Tổng thống Trump, người cho rằng sự phản đối của công chúng mang lại cho ông “sự phấn khích”, nhưng đối với Tổng thống Biden thì không. Việc người biểu tình thay đổi thái độ có thể là một dấu hiệu nguy hiểm đối với ông chủ Nhà Trắng, người có chiến lược tranh cử đối lập.
Ngay khi nhận thấy sự phản đối của công chúng, Tổng thống đương nhiệm đã cố gắng xoa dịu các cử tri. Trong một sự kiện tuyên truyền về các chính sách sức khỏe của Nhà Trắng tại Raleigh (Bắc Carolina), Tổng thống Biden đã kêu gọi đám đông biểu tình “hãy kiên nhẫn” trước vấn đề Gaza.
“Họ nói có lý. Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến Gaza”, ông Biden chia sẻ với cử tri.
Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Biden, ông Ammar Moussa, cho biết: “Tổng thống Biden mong muốn tiếng nói của bạn được lắng nghe và đối xử với những người biểu tình bằng sự tôn trọng và đồng cảm - không giống như Donald Trump”.
Đội ngũ vận động tranh cử của ông Biden cho rằng cường độ biểu tình không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Hai cựu Tổng thống Barack Obama và Donald Trump đã giành chiến thắng bất chấp các cuộc biểu tình vào năm 2012 và 2016. Mặc dù có những lùm xùm xung quanh cách điều hành, đảng Dân chủ cũng vẫn vượt qua các đối thủ khác trong các cuộc bầu cử gần đây, bao gồm cả cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, đối với Tổng thống đương nhiệm. sự im lặng của công chúng trước ông Trump cũng chưa hẳn là một bất lợi. Nhiều tổ chức tham gia cuộc biểu tình chống lại ông Trump trước đây cho rằng thái độ im lặng của họ trong năm nay cũng là một cách phản đối, nhằm ngăn chặn những bình luận và ý tưởng “gây sốc” của ông lan truyền trong cộng đồng.
Bà Rachel O'Leary Carmona, Giám đốc điều hành của tổ chức Women's March – tổ chức từng tham gia biểu tình tại lễ nhậm chức của ông Trump trong năm 2017, cho biết: “Những người lãnh đạo cần có khán giả, giống như con thuyền cần gió và nước để ra khơi. Điều tốt nhất mà mọi người có thể làm là làm để phản đối ông Trump là từ chối trở thành khán giả của ông ấy”.
Không ai hưởng lợi khi cử tri đang “kiệt sức và thất vọng”
Trong các cuộc thăm dò dư luận, tỉ lệ ủng hộ của cử tri dành cho các ứng viên chỉ chênh lệch khoảng vài phần trăm, cho thấy người Mỹ đang phân vân trước hai sự lựa chọn. Cử tri không hài lòng với hính quyền ông Biden trong các quyết sách nội bộ cũng như thái độ đối với cuộc chiến ở phía bên kia địa cầu, nhưng sự lựa chọn còn lại cũng không khả quan hơn bao nhiêu.
Hiện tại, Mỹ vẫn theo chế độ đa đảng, nhưng gần như chỉ có đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thay nhau nắm quyền thông qua các đợt bầu cử. Bày tỏ sự thất vọng trước tình thế này, bà Paula Munoz, một người biểu tình cho rằng người dân có quá ít sự lựa chọn.
“Chúng tôi phải đưa ra sự lựa chọn ít tồi tệ hơn trong hai điều tồi tệ. Đây là một trong những lý do khiến người dân cảm thấy kiệt sức và thất vọng”, bà Munoz nói.
Trong cuộc đối đầu thứ hai giữa hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden, ý chí của cử tri đang dao động khiến kết quả của cuộc bầu cử tháng 11 vẫn là một ẩn số. Thậm chí ngay cả khi kết quả bầu cử được ấn định, nhiều cuộc biểu tình vẫn có khả năng xảy ra trong trường hợp người Mỹ cảm thấy “không hài lòng” với các chính sách của Tổng thống.