Theo báo cáo, tổng tài sản của OCB tính đến 31/12/2021 đạt 184.491 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Huy động vốn trên thị trường 1 (bao gồm ủy thác đầu tư) đạt 126.430 tỷ đồng tăng 17%. Dư nợ cho vay trên thị trường 1 (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 103.595 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020.
Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 5.519 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước nhờ nguồn thu chính của OCB tăng trưởng 14% so với năm trước, thu về hơn 5.686 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt gần 63% tính từ năm 2016-2021. Hệ số CAR kết thúc năm thuộc top đầu ngành, duy trì ở mức 12,3%.
Đvt: Tỷ đồng
Ngân hàng tiếp tục duy trì tỷ suất lợi nhuận ROE và ROA cao, lần lượt đạt 2,59% và 22%. Chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể, tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 - nhóm 5) của ngân hàng giảm về mức 0,97% từ mức 1,42% năm 2020, tỷ lệ nợ quá hạn (nhóm 2 – nhóm 5) giảm về mức 2,65% từ mức 3,97% năm 2020. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ mức 62,1% năm 2020 lên mức 82,7% năm 2021.
Kế hoạch kinh doanh trong năm 2022 của OCB dự kiến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 25% - 30%, ROE trên 20%; duy trì mức cổ tức từ 20% - 25% cho cổ đông. Tuy nhiên, các mục tiêu này vẫn đang được Hội đồng quản trị cân nhắc trước khi trình cổ đông trong kỳ Đại hội cổ đông thường niên dự kiến được tổ chức vào ngày 23/04/2022 sắp tới đây tại TP. HCM.
Đvt: Tỷ đồng
Trong năm 2021, OCB đã thực hiện tăng vốn từ 10.959 tỷ đồng lên 13.699 tỷ đồng thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Gần 274 triệu cp đã được phát hành ra thị trường, nâng tổng số cổ phiếu đang lưu hành lên gần 1,4 tỷ cp.
Vào ngày 12/01/2022 vừa qua, OCB cũng đã thông qua phương án chào bán 5 triệu cp ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) với giá 10,000 đồng/cp. Cổ phần mới phát hành sẽ chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành . Ngân hàng sẽ thực hiện phân phối cổ phiếu đến nhân viên ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
2021 cũng là năm OCB đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong số hóa. Chỉ tính riêng ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI đã được ngân hàng liên tục cải tiến với nhiều tính năng, dịch vụ mới, với trọng tâm cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.
Số lượng người dùng OCB OMNI tăng gấp 3 lần, lượng giao dịch tăng hơn 60% và eKYC tăng 15 lần so với 2020. Trong năm 2021 hầu hết quy trình, văn bản đều được thực hiện, phê duyệt online đến gần 80% từ đó tối ưu được năng suất lao động, tiết giảm chi phí hoạt động. Đưa ngân hàng tiếp tục thành công trong việc quản trị chi phí hiệu quả với CIR năm 2021 ở mức 26,9%, nằm trong top 3 thấp nhất ngành ngân hàng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu OCB hiện đang giao dịch quanh mức 26.000 đồng/cp (kết phiên 11/03/2022), thanh khoản bình quân trên 4 triệu cp/ngày, giá cổ phiếu tăng 77% so với giá đóng cửa ngày đầu niêm yết.
Tính riêng trong năm 2021, cổ phiếu OCB đã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng liên tiếp từ tháng 1 - 6/2021. Lũy kế giá trị mua ròng nhà đầu tư nước ngoài từ khi niêm yết đạt 737 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong ngành và nằm trong top 10 mua ròng toàn thị trường trong 2021.
Diễn biến giá cổ phiếu OCB từ khi niêm yết đến nay. (Nguồn: Investing.com)