Ô nhiễm không khí từ lâu được biết đến như một "kẻ thù giấu mặt" đối với sức khỏe con người, nhưng tác động trực tiếp lên não bộ như thế nào thì vẫn còn là bí ẩn.
Một nghiên cứu mới đây vừa được công bố trên tạp chí The Journals of Gerontology đã giúp làm sáng tỏ mối liên hệ này, đặc biệt với người cao tuổi.
Não bộ dần suy yếu vì không khí ô nhiễm
Theo nghiên cứu, tình trạng suy giảm nhận thức thường xuất hiện rõ hơn ở người cao tuổi, làm giảm chất lượng cuộc sống và rút ngắn tuổi thọ.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là vấn đề đáng báo động (Ảnh: Mạnh Quân).
Đáng lo ngại hơn, ô nhiễm không khí được cho là tác nhân gây ra tới 2,6% các ca mất trí nhớ, con số còn lớn hơn cả các yếu tố quen thuộc như huyết áp cao hay lối sống ít vận động.
Hai loại ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất đối với não bộ là nitrogen dioxide (NO₂) và bụi mịn PM2.5 - các hạt nhỏ hơn 2,5 micromet.
Những chất ô nhiễm này có khả năng tấn công não bộ và hệ tim mạch thông qua đường hô hấp hoặc tác động gián tiếp lên tuần hoàn máu.
Phát hiện bất ngờ về các nguồn ô nhiễm
Điểm đặc biệt của nghiên cứu này là việc phân tích sâu về nguồn gốc ô nhiễm. Kết quả chỉ rõ, PM2.5 từ các hoạt động công nghiệp và nhiên liệu đốt trong sinh hoạt gia đình (như than đá, khí đốt, dầu và nhiên liệu sinh học) đặc biệt gây ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ.
Qua theo dõi hơn 10 năm với người tham gia nghiên cứu (tuổi trung bình là 65), nhóm chuyên gia phát hiện, dù mức ô nhiễm trung bình có xu hướng giảm nhưng các chỉ số nhận thức vẫn suy giảm rõ rệt theo mức độ ô nhiễm.
Đặc biệt, khả năng ngôn ngữ của người lớn tuổi suy giảm rõ rệt khi tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm từ công nghiệp và nhiên liệu gia đình.
Những con số khiến giới chuyên gia lo lắng
Trong giai đoạn 2008-2017, mức NO₂ trung bình tại khu vực nghiên cứu vào khoảng 23 μg/m³, còn PM2.5 là 12 μg/m³, cao hơn nhiều so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Điều này đồng nghĩa tất cả người tham gia đều phải chịu mức ô nhiễm vượt quá giới hạn an toàn theo tiêu chuẩn mới nhất của WHO năm 2021.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, đây là cảnh báo nghiêm túc, bởi những tổn thương lên não bộ, đặc biệt vùng não kiểm soát ngôn ngữ (thùy thái dương), có thể là không thể đảo ngược.
Cần hành động sớm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Nghiên cứu này một lần nữa khẳng định tính cấp bách trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí, nhất là tại các khu đô thị đông đúc và vùng công nghiệp.
Các nhà khoa học khuyến cáo cần sớm triển khai các giải pháp toàn diện, từ cải thiện chất lượng nhà ở, thiết kế đô thị thông minh, tăng cường tiếp cận chăm sóc sức khỏe, đến việc giám sát môi trường chặt chẽ hơn.
Bởi mỗi hơi thở chứa đầy khói bụi ô nhiễm hôm nay đều có thể là nguyên nhân khiến não bộ của chúng ta suy yếu trong tương lai.