Thời sự

Ồ ạt rút BHXH một lần: Phải thay đổi cách tính lương hưu

Sau khi Báo NLĐO có bài viết "Ồ ạt rút BHXH một lần: Ngoài 50 tuổi là "sụm bà chè" hết rồi, rất nhiều bạn đọc đồng thuận cách đặt vấn đề hết sức xác đáng của báo, đồng thời bày tỏ mong muốn Quốc hội nên sớm sửa đổi Luật BHXH để đảm bảo quyền thụ hưởng của người tham gia.

Bạn đọc Lê Hoàng Long nhận xét: Tôi hoan nghênh nếu Báo Người Lao động mở tiếp cuộc thăm dò dư luận để biết tâm trạng của đại đa số dân cần lao. Bạn đọc Phạm Ngọc Minh bày tỏ: Rất thích báo NLĐ luôn có bài về BHXH... nhất là các ý kiến về Ồ ạt rút BHXH một lần, rất nhiều vấn đề đã được nêu ra...hầu như rất đầy đủ từ những bài đầu tiên cho đến bài này...từ việc thời gian đóng BHXH, giảm tuổi nghỉ hưu, giảm năm đóng...đến việc đóng nhiều hưởng nhiều như mua bảo hiểm để thu hút...hay có ý kiến rất thực tế...khi rút 01 lần có thể làm rất nhiều việc...kể cả không làm gì chỉ để ngân hàng cho chắc...vì tiền trong túi mới là tiển của mình.. "Hiện dịch bệnh khó lường...sống chết mong manh..khi hữu sự có thể rút liền một số tiền lớn...nói chung rất nhiều mặt của vấn đề đã được chia sẻ ...nêu ra...giờ chỉ còn mong chờ một chính sách phù hợp nhất thôi"- bạn đọc này bộc bạch.

 Ồ ạt rút BHXH một lần: Phải thay đổi cách tính lương hưu  - Ảnh 1.

Theo bạn đọc Thanh Nam, bài viết đã cung cấp thông tin và cái nhìn toàn diện cho việc lý giải tại sao người lao động ồ ạt rút tiền BHXH 1 lần. Ngay khi Quốc hội quyết định tăng tuổi hưu có rất nhiều người dân không đồng tình nhất là người lao động trong doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng. Tương tự, bạn đọc Trần Quốc Đạt quả quyết: 99% người lao động trực tiếp sẽ không đồng thuận việc tăng tuổi nghỉ hưu. Tôi đề nghị báo Người Lao Động mở trang thăm dò ý kiến bạn đọc để có cơ sở khách quan và đề nghị Quốc Hội lắng nghe ý kiến người dân để điều chỉnh cho phù hợp.

Bùi Ái Việt thẳng thắn bày tỏ: Ngay từ khi điều chỉnh luật BHXH, tăng tuổi nghỉ hưu tôi đã nghĩ ngay nhiều người sẽ không đóng BHXH nữa vì để đợi đến khi đủ tuổi, đủ năm thấy xa vời quá. Công việc thì bấp bênh. Giá cả thì trượt theo năm tháng. Những người nhiều tuổi thì cố theo nốt còn người trẻ theo đến bao giờ ...

Góp ý hoàn thiện Luật BHXH, theo một bạn đọc giấu tên viết: Nếu giảm năm đóng BHXH, thì cũng phải giảm tuổi nghỉ hưu. Hà cớ gì lại tăng tuổi? Bạn đọc này nêu ví dụ: Bản thân tôi 19 tuổi đi làm, 50 tuổi là tôi đủ 30 năm làm việc, nhưng tôi phải chờ thêm 12 năm 6 tháng tôi mới được hưởng lương hưu, nếu phải chờ như thế tôi lựa chọn rút 1 lần chứ không bao giờ tôi chờ lãnh hưu.

Phân tích thêm về những bất cập của chính sách BHXH hiện hành, bạn đọc Nguyễn Văn Thắng nêu ví dụ: Thử tính bài toán người lao động đóng 20 năm với mức đóng bậc 1 như hiện nay không tính nâng lương thì 1 năm sẽ là gần 10 triệu. Giả sử nếu mua 1 hợp đồng bảo hiểm nhân nhân thọ 20 năm thì khi hết thời hạn bảo hiểm họ sẽ nhận được khoảng 350 triệu đồng trong thời hạn 20 năm họ vẫn được công ty bảo hiểm nhân thọ bảo vệ. 

Và khi ấy 350 triệu đồng là của mình chắc chắn, còn nhận lương BHXH nếu mới nhận được vài năm không may chết thì sẽ hết quyền lợi. Giải thuyết 2 nếu với số tiền trên gửi vào ngân hàng và lãi đẻ ra lãi thì khi hết 20 năm số tiền cũng không nhỏ. Vì vậy để khuyến khích người lao động và mọi người dân tham gia BHXH thì nên quy định thời gian đóng BHXH là 15 năm không phụ thuộc tuổi hưởng xác định là thỏa thuận dân sự giữa cơ quan BHXH và người tham gia bảo hiểm. 

Khuyến khích đóng dài, nguyên tắc đóng ít hưởng ít đóng nhiều hưởng nhiều. Tỷ lệ % hưởng sẽ tương ứng với số năm đóng. "Nên để cách tính BHXH như cũ là 5 năm cuối 60 tháng để làm căn cứ tính mức lương hưu cho người nghỉ chế độ. Lấy mốc 25 năm làm căn cứ còn dưới 25 năm thì sẽ tính bình quân tổng số năm chia đều. Như vậy mọi người ai muốn hưởng cao sẽ phải cố gắng đóng qua 25 năm sẽ được hưởng tối đa"- bạn đọc này nói.

 Ồ ạt rút BHXH một lần: Phải thay đổi cách tính lương hưu  - Ảnh 2.

Tương tự, một bạn đọc góp ý: Luật BHXH hiện hành quy định khi đóng bảo hiểm hơn 20 năm thì người lao động sẽ không được rút tiền một lần mà phải đợi đến tuổi hưu (cái đó thì ai cũng sợ rằng không sống nổi tới đó), do vậy họ mới tranh thủ rút hết BHXH một lần. Theo bạn đọc Hoàng Hiếu, việc tăng tuổi hưởng BHXH và tăng số năm đóng BHXH chỉ phù hợp với các ngành và cơ quan nhà nước thôi. Người lao động làm trong các KCN ít người đủ sức khỏe làm được đến 60 tuổi chứ chưa nói đến 65 tuổi, thì làm sao họ đợi được đến tuổi 65 để hưởng BHXH?

Theo một bạn đọc, mức đóng BHXH cho người lao động cũng là nguyên nhân dẫn đến tiền lương hưu được hưởng thấp. Phần lớn doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho người lao động  trên mức lương cơ bản do nhà nước ban hành một chút để không bị để ý. Dẫn đến tiền lương nghỉ hưu rất thấp. Ví dụ: nếu hàng tháng DN chỉ đóng BHXH cho NLĐ với mức 5 triệu đồng (trong khi lương lãnh thực tế là 15 triệu đồng) thì khi nghỉ hưu sẽ tính trên mức lương bình quân rồi nhân với 75% nếu làm đủ năm, 5tr x 75% = 3.750 đồng.

Bạn đọc Trần Văn Bình cũng đồng ý với ý kiến giảm tuổi nghỉ hưu và không phân biệt chế độ công nhân với người nhà nước khi làm chế độ hưu. Trong khi đó, bạn đọc Lê Hùng kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và BHXH phải điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu (cả cho những người đã nghỉ hưu) vì thực tế rất rất nhiều người tham gia công tác có số năm cao hơn nhiều người nhưng số lương hưu nhận được ít hơn người có số năm ít hơn. Một bạn đọc tên Lập góp ý: Tuổi thọ trung bình 73, nghỉ hưu tuổi 62, nhận được 11 năm, lương hưu tính bình quân, đóng 30 năm trước 1 tháng có mấy trăm đồng, 30 năm sau cộng lại thì chia đều các năm thì hưu được bao nhiêu do vật giá leo thang? Phải tính lương 5 hoặc 10 năm liền kề mới hợp lí, bình quân thiệt thòi, lương thấp nên NLĐ rút hưu đúng rồi.

Theo bạn đọc Văn Tín, chính sách BHXH nên "mở" cho người lao động, người lao động khi nghỉ việc ở doanh nghiệp muốn rút BHXH ngay hay để dành đến tuổi hưu là quyền của họ, không nên bắt họ phải chờ? Còn theo bạn đọc Trần Văn Hào, cứ đóng đủ năm là được nghỉ hưu chứ không phải đợi đủ tuổi như vậy mới công bằng, còn chưa đủ thì trừ phần trăm.

45 tuổi đã bị coi là già

"Giảm tuổi hưởng lương hưu là vấn đề cần thiết và cấp bách để thu hút người lao động không rút BHXH 1 lần. Vì công nhân trong các doanh nghiệp nước ngoài không mấy ai làm được đến năm 60 tuổi. Chỉ 45 tuổi là đã bị coi là già và doanh nghiệp đã thải rồi"- bạn đọc Dương Van An

Cùng chuyên mục

Đọc thêm