Trong nhiều thập kỉ qua, Trung Đông liên tục chấn động vì những trận chiến tranh giành lãnh thổ và những mâu thuẫn khác. Cuộc đối đầu giữa các bên trở nên gay gắt và căng thẳng nhất ở khu vực dải Gaza và Cao nguyên Golan, nơi lực lượng của Israel phải đối đầu với nhiều thế lực khác trong khu vực, trong đó đáng kể nhất là Hamas và Hezbollah.
Hamas (hay còn gọi là "Phong trào Kháng chiến Hồi giáo") là một đảng chính trị ở Palestine và đã kiểm soát dải Gaza trong gần hai thập kỷ. Hamas đã đẩy lùi các phong trào và tổ chức khác của người Palestine ra khỏi vùng đất này. Phong trào Hamas kịch liệt bác bỏ sự tồn tại của Israel, quốc gia mà họ tuyên bố là đang chiếm đóng Palestine.
Vào tháng 10/2023, Hamas đã tấn công miền nam Israel, khiến gần 1.200 người thiệt mạng và bắt hơn 200 con tin. Để đáp trả, Israel đã tuyên chiến nhằm tiêu diệt nhóm này. Theo các quan chức Palestine ở Gaza, tính đến tháng 7/2024, cuộc xung đột đã giết chết gần 40 nghìn người.
Hàng chục quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã tuyên bố Hamas là một tổ chức khủng bố. Mỹ đã cam kết hàng tỷ USD viện trợ quân sự mới kể từ khi chiến tranh Israel-Hamas bắt đầu và vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Israel.
Chưa dừng ở đó, Hamas là một thành phần của cái gọi là "trục kháng chiến Iran", một mạng lưới khu vực gồm các đối tác chống Israel bao gồm nhóm Jihad Hồi giáo Palestine, lực lượng Hezbollah của Lebanon, Houthis của Yemen và nhiều lực lượng dân quân khác nhau ở Iraq và Syria. Với những mối liên hệ này, nhiều chuyên gia an ninh lo ngại rằng cuộc chiến Israel-Hamas có thể nhấn chìm khu vực trong một cuộc xung đột quy mô lớn hơn.
Fatah – Đảng đối thủ của Hamas – đã làm chủ Chính quyền Palestine và quản lý khu vực Bờ Tây. Fatah đã tuyên bố từ bỏ bạo lực, mặc dù không phải lúc nào cũng giữ cam kết đó trong thời điểm căng thẳng giữa Israel và Palestine tăng cao. Sự chia rẽ trong giới lãnh đạo Palestine và thái độ thù địch không lay chuyển của Hamas đối với Israel đã làm giảm triển vọng ổn định ở Gaza.
Hezbollah là một đảng chính trị Hồi giáo Shiite và nhóm chiến binh có cơ sở tại Lebanon. Bộ máy an ninh phức tạp, tổ chức chính trị và mạng lưới dịch vụ xã hội của Hezbollah khiến tổ chức này được mệnh danh là "một nhà nước trong một nhà nước". Được thành lập giữa lúc Nội chiến Lebanon kéo dài mười lăm năm, tổ chức được Iran hậu thuẫn này hoạt động theo hướng phản đối Israel và chống lại ảnh hưởng của phương Tây ở Trung Đông.
Do những chiến dịch bạo lực trên phạm vi quốc tế, Hezbollah đã bị Mỹ và nhiều quốc gia khác coi là một tổ chức khủng bố, mặc dù một số quốc gia chỉ áp dụng việc gán nhãn này cho lực lượng vũ trang của Hezbollah. Các liên minh với mối quan hệ bền chặt của Hezbollah với Iran và Syria đã biến tổ chức thành một lực lượng quân sự ngày càng hiệu quả, trở thành một đối thủ đáng gờm cho kẻ thù lâu năm của họ là Israel. Các cuộc đụng độ biên giới leo thang giữa hai đối thủ hiện đang đe dọa mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas, điều này sẽ gây ra tổn thất lớn cho nền kinh tế Lebanon vốn đã bị tàn phá nặng nề.
Sau khi Hamas thực hiện cuộc tấn công vào Israel vào tháng 10/2023, Hezbollah bắt đầu bắn tên lửa, súng cối và máy bay không người lái qua biên giới Israel- Lebanon để thể hiện điều mà các nhà lãnh đạo của nhóm gọi là "sự đoàn kết" với đồng minh về mặt quân sự của mình. Các chuyên gia cho biết Iran và Hezbollah có thể đã tư vấn và huấn luyện Hamas về cách tấn công Israel, mặc dù Hamas khẳng định rằng không bên nào tham gia vào việc lập kế hoạch cho hoạt động năm 2023 của nhóm.
Ở chiều ngược lại, Israel không "đơn thương độc mã" trong cuộc chiến với các Phong trào Hồi giáo trong khu vực. Các nhà lập pháp Mỹ từ lâu đã coi Israel là đồng minh giúp bảo vệ các lợi ích chiến lược của Mỹ ở Trung Đông.
Theo Al-Jazeera, yếu tố cốt lõi trong chính sách Trung Đông của Mỹ là duy trì năng lực bá chủ quân sự khu vực của Israel. Do đó, Mỹ liên tục thông qua viện trợ tài chính và gia tăng kho vũ khí quân sự của Israel để chống lại các đợt các thế lực khác trong hàng chục năm qua.
Đổi lại, Israel cung cấp chỗ đứng chiến lược của Mỹ trong khu vực cũng như các quan hệ đối tác về tình báo và công nghệ tiên tiến trong cả thế giới dân sự và quân sự. Trong Chiến tranh Lạnh, Israel là đối trọng quan trọng đối với ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực.
Giữa lúc căng thẳng ngày càng leo thang đối với Israel và Hezbollah (lực lượng chính trị và quân sự thống trị ở Lebanon), cả hai bên đều không muốn sa vào một cuộc chiến tranh toàn diện.
Tuy nhiên, một cuộc chiến có thể vô tình bùng phát trong bối cảnh các cuộc tấn công gần đây nhằm vào Cao nguyên Golan và các lãnh đạo của Hezbollah và Hamas; hoặc cũng có thể bùng phát do cố tình - nếu như Israel nhìn thấy một cơ hội sau cuộc chiến ở Gaza để loại bỏ một kẻ thù khác của nước này.
Trong kịch bản tốt nhất, một lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến của Israel với Hamas ở Gaza sẽ buộc Hezbollah ngừng bắn tên lửa vào Israel, và nguy cơ xảy ra chiến tranh ở Lebanon sẽ giảm xuống.
Thế nhưng căng thẳng đã leo thang kể từ ngày 28/7 vừa qua, khi Israel tuyên bố rằng một tên lửa của Hezbollah đã bắn vào thị trấn Majdal Shams ở Cao nguyên Golan khiến 12 trẻ em và thiếu niên thiệt mạng trong cùng ngày.
Ngày 30/7, Israel đã đáp trả bằng hành động tấn công một tòa nhà ở Beirut, khẳng định rằng họ nhắm vào chỉ huy của Hezbollah – người được cho là chịu trách nhiệm cho vụ tấn công tên lửa ngày 28/7.
Chỉ một ngày sau đó (31/7), một lãnh đạo cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas, đã bị ám sát ở Tehran. Hamas và Iran cáo buộc Israel, nhưng Israel không thừa nhận cũng không phản đối. Đổi lại, Iran đã treo cờ báo thù, thể hiện quyết tâm tấn công đáp trả. Mỹ đã cử tàu sân bay và các tàu chiến tới hỗ trợ Israel phòng thủ.
Nếu Israel tiến xa hơn nữa và phát động một chiến dịch lớn để triệt tiêu tận gốc Hezbollah theo những lời thúc giục của các thành viên cánh hữu trong chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, hậu quả sẽ rất tàn khốc. Một cuộc xung đột như vậy sẽ hủy diệt xã hội Lebanon, quốc gia vốn đã ở trong tình trạng sụp đổ kinh tế. Tuy nhiên, kịch bản ác mộng có rất có thể xảy ra, nhất là khi nhiều quốc gia đã yêu cầu công dân của mình sơ tán ngay lập tức khỏi Lebanon.
Cuộc xung đột ấy đồng thời sẽ gây ra khủng hoảng nhân đạo mà Mỹ và các quốc gia khác sẽ phải gánh chịu, làm gia tăng các cuộc tấn công ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ tại Iraq, Syria và những nơi khác, và cũng làm tăng các cuộc tấn công của Houthi ở Yemen. Kịch bản này có thể dẫn đến thất bại của Israel trong việc tiêu diệt Hezbollah.
Tất cả những tình huống kể trên đều không có lợi cho Mỹ. Trong khi Mỹ tỏ rõ lập trường rằng sẽ tiếp tục bảo vệ Israel trước các cuộc tấn công trực tiếp từ Iran - quốc gia hỗ trợ cho Hezbollah, Washington cần nói rõ với Israel rằng họ sẽ không chấp nhận cuộc chiến này hoặc không hỗ trợ Israel bằng cách cung cấp đạn dược, không tham gia vào các cuộc tấn công của quân đội Israel chống lại Hezbollah hay đưa ra những lời che đậy ngoại giao cho cái chết của dân thường trong cuộc xung đột.
Cuộc xung đột ở Gaza đã chứng minh rằng việc cố gắng kiểm soát tình hình sau khi mọi thứ đã đổ bể là điều không thể. Có nhiều lý do khiến một cuộc chiến tranh xuyên biên giới phía Bắc của Israel sẽ rất kinh hoàng.
Hezbollah có lực lượng và vũ khí ẩn náu giữa dân thường, điều này có thể được coi là chiến lược "lá chắn sống". Do đó các cuộc tấn công có thể giết chết hàng chục ngàn người Lebanon.
Hệ thống xác định mục tiêu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mà Lực lượng Phòng vệ Israel sử dụng và các quy tắc tác chiến lỏng lẻo mà họ đã thể hiện ở Gaza cũng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho thường dân. Giống như Hamas, Hezbollah đã đào các hầm ngầm và đường hầm, do đó sự hỗn loạn trong các khu vực đô thị trong bối cảnh xung đột là điều có thể dự đoán trước.
Về lý thuyết, Israel có thể nhắm vào tất cả số tên lửa và pháo, cùng với các bệ phóng và các đội quân của Hezbollah được phân bố khắp Lebanon. Ước tính Hezbollah sở hữu khoảng 130.000-150.000 tên lửa và pháo. Do trụ sở của Hezbollah nằm ở ngoại ô Beirut, cư dân khu vực này sẽ phải hứng chịu hỏa lực dữ dội.
Israel biết rằng việc tiêu diệt vũ khí của Hezbollah là vô ích nếu chưa thể cắt đứt nguồn cung từ Iran, do đó Irael rất có khả năng sẽ phong tỏa một phần Lebanon, ngăn không cho thường dân tiếp cận thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Cho đến nay, Mỹ đã ngăn cản Israel tấn công Hezbollah chủ yếu bằng cách nhấn mạnh rằng Israel sẽ chịu rất nhiều tổn thất. Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng Washington không muốn phải chịu trách nhiệm về một thảm kịch nhân đạo khác. Nếu Chính quyền Biden không thể ngăn chặn Israel chiến tranh với Hezbollah, Washington sẽ phải chịu áp lực chính trị để ủng hộ cho chiến dịch của nhà nước Do Thái.
Năm 2006, trong cuộc tấn công gần đây nhất của Israel nhằm vào Hezbollah ở Lebanon, Mỹ đã gây áp lực buộc Israel phải ngừng ra tay với dân thường và cơ sở hạ tầng của Lebanon và chấm dứt các hành động tấn công sớm hơn dự định. Israel từ lâu đã coi hành động can thiệp của Mỹ là lí do nước này không thể tung đòn quyết định khiến Hezbollah suy yếu.
Hiện nay, Israel đã thử nghiệm chiến thuật "tiêu thổ" ở Gaza và duy trì được sự ủng hộ của Mỹ, do đó rất có khả năng họ sẽ lặp lại sai lầm năm xưa. Các quy tắc ở Gaza sẽ được áp dụng.
Những người quan sát lạc quan coi thường khả năng Israel tiến hành một cuộc tấn công lớn vì họ cho rằng nó sẽ thất bại. Họ cũng cho rằng người Israel có chung suy nghĩ ấy. Nhưng đó là một giả định sai lầm. Từ góc độ của một nhà hoạch định quân sự, Israel có thể khai thác lợi thế của một cuộc tấn công bất ngờ, và điều này có thể mang lại hiệu quả lớn.
Israel có năng lực để tiến hành một cuộc tổng tấn công bất ngờ. Họ có một lực lượng quân đội đáng nể, đủ để khơi mào một cuộc chiến mới và luôn trong trạng thái sẵn sàng điều động. Những đòn tấn công nhỏ lẻ liên tục chính là vỏ bọc hoàn hảo của họ.
Hezbollah không thể biết liệu đòn tấn công mới nhất có phải là khởi đầu của một cuộc chiến, hay chỉ là một cuộc giao tranh khác. Hơn nữa, Lực lượng Phòng vệ Israel có thể yên tâm bởi ở phía Bắc Israel có rất ít thường dân. Khoảng 60.000 người dân ở phía Bắc Israel cùng với khoảng 90.000 người ở miền Nam Lebanon đã được sơ tán khỏi khu vực này do các đợt bắn phá của Hezbollah.
Đối với kho tên lửa khổng lồ của Hezbollah, không quân Israel có thể ngăn chặn các cuộc phóng tên lửa trên lãnh thổ của mình nhờ yếu tố bất ngờ và các căn cứ ở cự ly gần. Các cuộc tấn công trên bộ đồng thời sẽ giúp ích. Một lá chắn phòng thủ tên lửa được tăng cường bằng vũ khí của Mỹ sẽ hạn chế rủi ro cho Israel.
Israel có thể củng cố các hệ thống phòng thủ tên lửa tập trung vào các cơ sở hạ tầng quan trọng để tránh các thiệt hại thảm khốc, mặc dù nhiều tên lửa vẫn có thể xuyên thủng lá chắn này và khiến hàng trăm người Israel thiệt mạng.
Chính quyền Biden cần chấm dứt những suy nghĩ như vậy của Israel. Mỹ cần nói thẳng rằng lời hứa sẽ "kiềm chế" của Israel là điều không đáng tin cậy, sau khi đã có gần 40.000 người thiệt mạng ở Dải Gaza, theo cơ quan y tế Palestine, và sự tàn phá khủng khiếp tại đó.
Nếu Israel tiếp tục tiến hành kế hoạch phát động chiến tranh với Hezbollah, và Hezbollah phóng hàng ngàn tên lửa vào Israel, thì họ nên cầu nguyện cho các hệ thống phòng thủ tên lửa và khả năng phòng thủ dân sự của mình đủ tốt. Mỹ có khả năng bắn hạ các tên lửa tiên tiến của Iran và sẽ làm điều đó, nhưng Washington không nhất thiết phải giải cứu nếu Israel bị chìm trong tên lửa của Hezbollah do một kế hoạch chiến tranh phi thực tế.
Ngoài các hoạt động ngoại giao đang được tiến hành - dù là vô ích - để có được sự hợp tác của Hezbollah và thừa nhận quyền tự vệ của Israel, một lệnh ngừng bắn ở Gaza là cách chắc chắn nhất để giảm căng thẳng ở phía Bắc Israel. Hiện tại, đây chính là cuộc chạy đua với thời gian.
Israel được kỳ vọng sẽ phản ứng trước câu nói "không" từ Washington bằng hành động tạm gác lại các kế hoạch cho một cuộc tấn công toàn diện. Có khả năng ông Netanyahu sẽ huy động những người ủng hộ trong Quốc hội Israel và đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump để đánh bại chính quyền Washington hiện tại và buộc Mỹ cam kết ủng hộ bất cứ điều gì Israel muốn thực hiện ở Lebanon.
Suy cho cùng, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đã đến rất gần, và cái giá chính trị phải trả cho việc chống lại chính phủ Israel có thể không đáng đối với bà Kamala Harris.
Tuy nhiên, Israel cũng có những rủi ro. Nếu Israel quyết định đối đầu với chính quyền Mỹ ngay bây giờ và Phó Tổng thống Kamala Harris thắng cử, những đảng viên Dân chủ giận dữ sẽ khiến mối quan hệ Mỹ-Israel thêm phức tạp.
Có thể Mỹ chỉ đang cố gắng "câu giờ" khi nhấn mạnh vào một mối quan hệ đối tác bình đẳng hơn với Israel ở thời điểm hiện tại. Thế nhưng ở Trung Đông, đó chưa hẳn đã là một điều tồi tệ.
Tham khảo New York Times