Giống như giá dầu thô, giá vàng đã tăng mạnh kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Và cũng giống như dầu mỏ, xứ bạch dương cũng đang nắm giữ trữ lượng vàng lớn nhất thế giới, khoảng 2.300 tấn, trị giá gần 140 tỷ USD.
Kho dự trữ kim loại quý khổng lồ này đã được tích lũy trong hơn thập kỷ qua với mục đích là một hình thức bảo hiểm cho nền kinh tế Nga. Tương tự như với dầu mỏ, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang khiến Moscow thực sự khó thu lời từ kho dự trữ này.
"Đây là lý do tại sao họ lại mua vàng, để sử dụng cho tình huống như thế này", giảng viên Đại học Kinh tế Cork - Fergal O'Connor nói với hãng tin Bloomberg, "Nhưng nếu không có ai giao dịch gì thì việc này cũng chẳng có nghĩa lí gì nữa".
Tuần trước, thị trường vàng ở London - trung tâm vàng thỏi quan trọng nhất thế giới - đã cấm giao dịch đối với vàng Nga, khiến cho vàng Nga không còn khả năng thanh khoản trên toàn cầu.
Sau đó, Thượng viện Mỹ cũng phê chuẩn một dự luật cấm công dân nước này thực hiện bất kỳ giao dịch nào liên quan đến vàng Nga.
"Kho vàng khổng lồ của Nga là một trong số ít tài sản còn lại mà Tổng thống Putin có thể sử dụng để giữ cho nền kinh tế khỏi sụp đổ", Thượng nghị sĩ Mỹ Angus King nhận định, "Bằng cách trừng phạt nguồn dự trữ này, chúng ta sẽ tăng cường cô lập Nga khỏi nền kinh tế thế giới và gia tăng khó khăn cho chiến dịch quân sự ngày càng tốn kém của ông Putin".
Theo một tuyên bố từ Ngân hàng Trung ương Nga, ngay cả khi không có người mua nước ngoài thì nhu cầu mua vàng trong nước vẫn ở mức cao. Mới đây, ngân hàng này tuyên bố sẽ tạm ngừng hoạt động mua vàng từ các tổ chức cho vay để không ảnh hưởng tới việc mua vàng bằng đồng rúp của người dân.
Chiến lược gia Zoltan Pozsar của Credit Suisse chia sẻ với hãng Bloomberg rằng, nếu đồng rúp tiếp tục mất giá so với USD thì Nga có thể sử dụng kho dự trữ khổng lồ này để chuyển về chế độ bản vị vàng, dùng nó như một "mỏ neo" bằng cách bán vàng ở mức giá cố định theo đồng rúp.