5h sáng mỗi ngày, chị Nga 35 tuổi, nhân viên văn phòng tại Linh Đàm, Hà Nội lại thức dậy, mở ứng dụng zoom để bắt đầu buổi tập yoga với huấn luyện viên online. Thói quen này đã được chị duy trì nửa tháng nay sau khi khỏi COVID-19. “Quỹ thời gian eo hẹp, nên tôi cố gắng dành một tiếng mỗi sáng để tập luyện nhằm cải thiện sức khỏe”, chị Nga nói.
Theo chia sẻ, chị biết tới luyện tập yoga kể từ khi nhiễm bệnh và có những triệu chứng hậu COVID-19. “Sau khỏi bệnh, thỉnh thoảng tôi vẫn cảm thấy khó thở, người hay nhức mỏi, tinh thần suy sụp và thường cáu gắt, ảnh hưởng tới công việc cũng như hai đứa con nhỏ”, chị Nga kể. “Nhưng sau 3 buổi luyện tập yoga theo lời giới thiệu của đồng nghiệp tôi cảm thấy tình trạng sức khỏe được cải thiện rõ rệt”.
Vậy là không nghĩ nhiều, chị Nga xuống tiền đóng liền một lúc khóa học 30 buổi cùng huấn luyện viên theo hình thức 1+1, với giá 450.000 đồng/giờ.
Theo cô giáo yoga Lê Thị Nhung (Kim Giang, Hà Nội), người đã có gần 10 năm gắn bó với yoga cho hay, những học viên như chị Nga không phải là hiếm, đặc biệt sau dịch COVID-19. “Số người đăng ký học các khóa trị liệu yoga của tôi hiện tại đã tăng 40% so với trước đây. Rõ ràng nhu cầu luyện tập nâng cao sức khỏe của người dân sau dịch ngày một nhiều hơn”, cô Nhung cho hay.
Các lớp học yoga của cô Nhung bắt đầu từ 5h15 sáng và kết thúc vào 9h30 tối mỗi ngày. “Trung bình sẽ có khoảng 6 lớp/ngày. Nhiều khi phải từ chối nhận thêm học viên vì không đủ sức và thời gian để dạy”, vị giáo viên yoga này cho hay.
Theo tìm hiểu của người viết, thông thường với mỗi lớp yoga trị liệu cơ bản sẽ có từ 15 đến 20 học viên. Mức học phí trung bình cho loại hình này là 2 triệu đồng/người/khóa. Mỗi khóa học sẽ kéo dài 3 tháng. Đây là lớp học cơ bản và học viên phải đến trung tâm/lớp học cũng là gói tập phổ thông phù hợp với ví tiền của nhiều người.
Trong khi đó, với gói tập 1+1, mỗi học viên sẽ được một giáo viên yoga đồng hành luyện tập cùng. Chi phí cũng không hề rẻ khi có giá dao động từ 450.000 đồng tới 550.000 đồng mỗi giờ. Người tập sẽ phải theo lộ trình 30 - 60 buổi tập để đạt kết quả.
Cô giáo Nhung cho hay, với loại hình cao cấp này, học viên sẽ có hai hình thức luyện tập: tập online hoặc giáo viên đến tận nhà kèm bất kể giờ giấc. “Có những học viên cách chỗ dạy 15km chạy xe hay có những người lại chỉ rảnh vào giờ nghỉ trưa hoặc lúc tan làm. Với những người có quỹ thời gian eo hẹp như này thì gói tập cao cấp là một lựa chọn”, cô Nhung nói.
Tương tự, tại một trung tâm yoga trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội theo khảo sát, các lớp học tại đây không lúc nào vắng học viên. Chia sẻ với người viết, quản lý trung tâm cho biết từ khi được mở cửa trở lại, lượng học viên đăng ký đi tập tăng 60%. Các lớp học duy trì chỉ 10 người tập cùng một huấn luyện viên để đạt được kết quả tốt.
“Nếu như trước đây bỏ ra 4-5 triệu cho một khóa yoga sau giờ làm còn khiến nhiều người ngần ngại thì nay tâm lý đó đã không còn. Đa phần những người tìm đến trung tâm đều đã mắc bệnh và có những triệu chứng hậu COVID-19. Lúc này thì tiền bạc không còn quá quan trọng với họ”, người này thông tin.
Theo tìm hiểu, với mỗi lớp học trị liệu bằng yoga như vậy, học viên sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật thở, dãn cơ, massage thư giãn. “Sau mỗi buổi tập tôi thấy giấc ngủ được cải thiện, tinh thần thoải mái hơn sau những ngày cách ly. Cơ thể cũng dễ chịu, linh hoạt hơn. Không bị hụt hơi nữa mà thở sâu và chậm”, chị Thảo (30 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ. “Có thể nói chất lượng cuộc sống đã quay trở về khoảng 80% so với trước khi nhiễm bệnh”.
Luyện tập thế nào sau COVID-19?
Chia sẻ trên tờ Guardian, các chuyên gia cho biết sau khi khỏi COVID-19, mọi người có thể bắt đầu bằng những hoạt động thể chất chung sau đó tiến tới những hoạt động thể chất cần nhiều lực hơn. Có một số bằng chứng cho thấy tập yoga và thiền định có thể giúp cải thiện sức khỏe của phổi, giảm tính nhạy cảm của virus và tăng tốc độ phục hồi sau nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nhờ tác dụng thư giãn của những bộ môn này.
Theo Janet Bondarenko, nhà vật lý trị liệu hô hấp cấp cao tại bệnh viện Alfred ở Melbourne, Australia, cho hay cảm giác mệt mỏi sau khi bị nhiễm virus là điều bình thường và khả năng phục hồi của mỗi người là khác nhau.
"Việc thúc ép bản thân khi bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi sau COVID-19 sẽ không làm tăng tốc độ phục hồi của bạn. Hãy cho bản thân có thêm thời gian để trở lại thể trạng trước Covid-19. Sự phục hồi của mỗi người là khác nhau nhưng theo thời gian mọi người đều sẽ trở lại như bình thường", bà nói.
Theo vị chuyên gia này, hoạt động thể chất dễ thực hiện nhất hậu COVID-19 là đi bộ và nếu có thể, nên đi bộ ngoài trời. "Hãy bắt đầu với những chuyến đi bộ ngắn. Dần dần, bạn có thể tăng độ dài và tốc độ đi bộ miễn là điều đó không khiến bạn quá mệt mỏi hay khó thở”, bà khuyên.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cũng nên cố gắng quay trở lại tập luyện cơ bắp từ 2 buổi trở lên mỗi tuần.