Chiều 27-12, TAND Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án đưa - nhận hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty CP tiến bộ Quốc tế AIC.
Các bị cáo trong vụ AIC tại tòa. Ảnh: CTV
Cựu giám đốc sở nói nhận tiền để vận hành bệnh viện
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị đề nghị 19-21 năm tù về hai tội nhận hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo VKS, ông Vũ có nhiều hành vi vi phạm quy định đấu thầu, giúp Công ty AIC trúng 16 gói thầu mua sắm thiết bị y tế, gây thiệt hại hơn 152 tỉ đồng. Bị cáo còn nhiều lần nhận hối lộ từ AIC với tổng số tiền 14,8 tỉ đồng.
Bào chữa cho ông Vũ, các luật sư đưa ra nhiều căn cứ đề nghị HĐXX tuyên thân chủ không phạm tội nhận hối lộ. Với tội vi phạm quy định đấu thầu, luật sư cho rằng cựu giám đốc Sở Y tế chịu sức ép từ cựu bí thư tỉnh ủy Trần Đình Thành, không hề có việc bàn bạc hay đòi hỏi lợi ích từ AIC để giúp công ty này trúng thầu…
Tự bào chữa cho mình, Phan Huy Anh Vũ nhất trí với quan điểm bào chữa của luật sư, đồng thời cho hay bản thân rất tận tâm đối với dự án xây dựng BV đa khoa tỉnh Đồng Nai.
“Xin phép xây dựng một công trình nhóm A là rất lớn, bị cáo ngày đêm chạy ra Hà Nội và chạy về để xin… Bị cáo thức đêm, ngày không ăn cơm để lo cho bệnh viện, từng viên đá không đạt chất lượng bị cáo cũng bắt thay…”, cựu giám đốc sở nói.
Về việc Công ty AIC liên tiếp trúng các gói thầu, bị cáo Vũ khẳng định không biết việc công ty này thiết lập “quân xanh, quân đỏ”. Thời điểm triển khai dự án, AIC là một trong những công ty bán thiết bị lớn nhất tại Việt Nam, bị cáo chỉ quan tâm đến chất lượng và giá cả cũng như tiến độ dự án.
Về hành vi nhận hối lộ 14,8 tỉ đồng, ông Vũ nói mình không phải "sâu dân, mọt nước”, bởi đã dùng số tiền này để thuê công ty, chuyên gia về vận hành bệnh viện, trả lương rất cao.
"Bị cáo đứng ở đây chỉ mong quan tòa có cái nhìn công tâm. Một mức án mà trên 10 năm thì bị cáo không còn hy vọng gì", bị cáo nói và mong HĐXX chỉ xử mình một tội danh.
Cựu giám đốc sở còn trình bày bản thân nhiều năm bị bệnh tiểu đường, đang suy thận, hằng ngày phải tiêm để duy trì sự sống…, mong được tòa cân nhắc khi quyết định hình phạt.
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, phó tổng giám đốc AIC. Ảnh: CTV
Phó tổng AIC xin giảm án cho cấp dưới
Hoàng Thị Thúy Nga, phó tổng giám đốc Công ty AIC, bị VKS đề nghị 8-9 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
VKS cáo buộc bà Nga cùng Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch Công ty AIC) tiếp xúc các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhờ tạo điều kiện cho công ty tham gia dự án xây dựng BV đa khoa tỉnh. Bà Nga sau đó cùng nhân viên AIC thực hiện chuỗi hành vi gian lận, thông thầu để giúp công ty trúng hàng loạt gói thầu y tế.
Ngoài vụ án này, bà Nga hiện đang bị điều tra trong ba vụ án khác cũng về vi phạm đấu thầu, xảy ra tại Cần Thơ, Quảng Ninh và Tây Ninh.
Bào chữa cho phó tổng giám đốc AIC, luật sư cho hay, thời điểm xảy ra vụ án, bà Nga khi ấy chỉ là lãnh đạo Ban 1 của Công ty AIC, chưa phải phó tổng giám đốc, chỉ là người "làm công ăn lương" và làm việc theo giấy ủy quyền.
Vụ án này, trước khi xét xử, các lãnh đạo cao nhất của Công ty AIC đã bỏ trốn, luật sư cho rằng “trách nhiệm đè nặng lên bị cáo Nga", mong tòa xem xét việc này.
Ngoài ra, theo luật sư, cần phải làm rõ bản chất về mối quan hệ của bà Nga với nhóm quan chức Đồng Nai. Trong các lần gặp gỡ, bà Nga chỉ tham gia cùng bà Nhàn để giới thiệu sản phẩm, công nghệ, nên đây là việc làm bình thường của doanh nhân, không bị pháp luật nghiêm cấm.
Bị cáo cũng khai "không được phép liên hệ, tiếp xúc trực tiếp với bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh khi không có bà Nhàn". Vì thế, VKS cáo buộc bà Nga nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để đặt vấn đề giúp đỡ cho AIC trúng thầu là chưa đủ cơ sở…
Tự bào chữa, bị cáo Nga cũng nói thời điểm thực hiện đấu thầu ở BV đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo chỉ là trưởng ban, làm việc theo các giấy ủy quyền và trong đó có nội dung "các công việc bị cáo thực hiện, công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Trước đó, từng trả lời về mối quan hệ với chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bà Nga nói thời gian đầu hai bên có quan hệ rất tốt, nhưng về sau mâu thuẫn nên tách ra làm riêng. Cụ thể là bà Nhàn nhiều lần hứa hẹn nhưng không thực hiện nên bị cáo cùng nhân viên bị thiệt thòi, hơn thế AIC có nhiều "việc làm mạo hiểm".
Đáng chú ý, bị cáo Nga không xin giảm nhẹ hình phạt cho bản thân nhưng đề nghị tòa cho trình bày về sáu bị cáo từng là nhân viên dưới quyền tại Công ty AIC. Theo bà Nga, những bị cáo này chỉ là nhân viên, vai trò phạm tội không đáng kể, mong tòa xem xét cho hưởng mức án nhẹ hơn đề nghị của VKS.
Theo hồ sơ, sau khi rời Công ty AIC, bà Hoàng Thị Thúy Nga thành lập bảy công ty hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, bất động sản, đều do bà Nga chỉ đạo điều hành. Quá trình kinh doanh, bà Nga lợi dụng mối quan hệ với lãnh đạo các tỉnh, thành để đặt vấn đề tạo điều kiện cho công ty của mình được tham gia các gói thầu do sở, ban ngành địa phương làm chủ đầu tư. Nhờ sự “ưu ái”, hệ thống công ty của bà Nga liên tiếp trúng hàng loạt gói thầu về y tế, giáo dục, trị giá hàng trăm tỉ đồng. Tính đến nay, ngoài vụ án ở Đồng Nai, bà Nga bị khởi tố trong ba vụ án khác, kéo theo nhiều cựu giám đốc sở và hàng loạt nhân viên y tế vướng lao lý. Tại Cần Thơ, cơ quan điều tra khởi tố 20 bị can, gồm hai cựu giám đốc Sở Y tế Bùi Thị Lệ Phi và Cao Minh Chu, Hoàng Thị Thúy Nga cùng loạt cán bộ Công ty NSJ và Công ty Bình Anh (hai công ty do bà Nga thành lập). Tại Quảng Ninh, công an khởi tố 15 bị can, gồm cựu giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Liên Oanh, Hoàng Thị Thúy Nga và loạt lãnh đạo Công ty MQF (một trong bảy công ty do bà Nga thành lập). Tại Tây Ninh, công an khởi tố chín bị can, gồm cựu giám đốc Sở Y tế Hoa Công Hậu, Hoàng Thị Thúy Nga và loạt nhân viên NSJ Group (công ty do bà Nga thành lập)... |