Theo thống kê, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc năm 2022 lên đến gần 10 triệu. Tất cả họ cùng tràn vào thị trường việc làm khiến thị trường này vốn không phát triển nay tỷ lệ cạnh tranh càng trở nên gay gắt hơn.
Không chỉ những sinh viên trường thường mà ngay cả với các cử nhân trường top, tìm kiếm việc làm cũng không phải điều dễ dàng gì. Điều này đã dẫn đến một thực trạng là nhiều người trẻ sẵn sàng rũ bỏ "hào quang" sinh viên trường top của mình để đi làm những công việc hết sức bình thường đến mức gây sốc. Câu chuyện của nữ sinh đại học đến từ tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) dưới đây là một ví dụ.
Theo đó, nữ sinh họ Hoàng này vừa tốt nghiệp một trường đại học nằm trong top trên của đất nước tỷ dân. Sau khi ra trường, nữ sinh đã nhanh chóng tìm được một công việc nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn, cô cảm thấy đây không phải điều mình mong muốn. Cuối cùng, trải qua một hồi cân nhắc, nữ sinh tìm thấy cơ hội kinh doanh ở chợ phế liệu và quyết định đi nhặt đồng nát kiếm tiền.
Cha mẹ của nữ sinh này vốn đều là trí thức cấp cao, điều kiện gia đình của cô rất tốt. Thậm chí vừa tốt nghiệp, cô đã được cha mẹ tặng cho một chiếc Mercedes-Benz. Ở nhà, cha mẹ cô áp dụng phương pháp giáo dục tự do, thay vì áp đặt suy nghĩ lên người con gái thì cha mẹ cô luôn ủng hộ mọi quyết định mà cô đưa ra. Dẫu vậy, khi hay tin con gái muốn bỏ việc đi nhặt phế liệu, cha mẹ cô vẫn không khỏi bị shock. Họ không hiểu vì lý do gì mà sau bao năm vất vả học hành, còn là học trường top mà cô lại đi chọn công việc mà nhiều người cho là "thấp kém" như thế.
Bản thân nữ sinh lại không nghĩ như vậy. Trong quan điểm của cô, không có công việc nào là cao quý hay không cao quý, đơn giản là sự phân công lao động khác nhau mà thôi và thu gom phế liệu không có gì sai cả. Vậy là cô đã bắt đầu lái chiếc Mercedes-Benz để thu gom, nhặt nhạnh đồng nát.
Ban đầu ai cũng nghĩ đây chẳng qua là câu chuyện một tiểu thư nhà giàu đang thử trải nghiệm cuộc sống, không ngờ nữ sinh viên này thực sự rất chăm chỉ, siêng năng thu gom phế phẩm, không quản ngại khó khăn, bẩn thỉu hay mệt mỏi, cô thực sự đã làm rất tốt công việc của mình. Bây giờ thu nhập của cô ổn định ở mức 30-40 triệu/tháng, có khi cao hơn và quyền tự do làm giàu đã được hiện thực hóa.
Trả lời phỏng vấn, nữ sinh này thẳng thắn nói: "Mục đích của việc nâng cao trình độ học vấn là nhằm nâng cao nhận thức chứ không phải trở thành một bục cao không thể bước xuống".
Bỏ qua những định kiến xã hội, giáo dục đại học không nên là xiềng xích trói buộc sinh viên đại học. Thật vậy, có quá nhiều sinh viên đại học đang bị mắc kẹt trên bục cao của chính họ và không muốn đi xuống. Họ bị ám ảnh với tấm bằng cử nhân của mình và khăng khăng chỉ làm những công việc mà họ nghĩ là "học đại học mới xứng được tuyển dụng".
Đương nhiên điều này không sai, bởi việc tìm được một công việc tử tế sẽ là thành quả cho quá trình học tập vất vả, đồng thời giúp cha mẹ yên lòng. Tuy nhiên, khi chỉ chăm chăm tìm việc "xứng" với mình, nhiều người trẻ sẽ vô tình bỏ qua rất nhiều cơ hội.
Ở một diễn biến khác, người trẻ chưa thực sự hiểu biết thấu đáo về xã hội này. Trong mắt nhiều người, chỉ có làm nhân viên văn phòng mới có giá trị, lương mới cao còn làm những công việc lao động bình thường là "thấp kém", là "mất mặt". Trên thực tế, xã hội ngày càng phát triển, chỉ cần biết nắm bắt thời cơ thì bạn có thể làm giàu bằng mọi nghề nghiệp.
Giáo dục rất quan trọng, nó có thể nâng cao kiến thức và tiêu chuẩn của một người, thế nhưng đừng để bản thân bị giáo dục ràng buộc. Đặt cái danh "sinh viên trường top" sang một bên, hạ thấp tầm mắt, sử dụng kiến thức bạn đã học để phân tích thị trường cũng như phân tích bản thân một cách khách quan xem bạn muốn làm gì hoặc có thể làm gì, và bạn sẽ phát hiện một thế giới hoàn toàn khác.