Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (Mã: BAF) vừa thông qua việc tạm rút hồ sơ đăng ký chào bán 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022 cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation), thành viên của Ngân hàng Thế giới (IFC).
BAF cho biết, ngày 16/9, Chính phủ ban hành Nghị định 65 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153. HĐQT nhận thấy một số nội dung đã nêu tại phương án không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay theo quy định mới của Nghị định 65. Do đó, HĐQT đã nhất trí thông qua việc tạm rút hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để tiến hành điều chỉnh lại phương án cho phù hợp và nộp lại hồ sơ trong thời gian sớm nhất.
Theo kế hoạch được công bố tháng 8/2022, BAF dự định phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 7 năm kể từ ngày phát hành. Đây là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, phát hành tại thị trường trong nước và dự kiến phát hành trong quý III hoặc quý IV/2022. Mức lãi suất danh nghĩa dự kiến 5,25%/năm. Tuy nhiên, nếu IFC không chuyển đổi trái phiếu sẽ nhận thêm lãi suất bổ sung 5,25%/năm và lãi suất bổ sung được tính lãi kép ở mức 10,5%/năm.
Với số tiền huy động tối đa 600 tỷ đồng, công ty dự kiến sẽ sử dụng để tăng vốn điều lệ và hỗ trợ vay vốn tại các công ty con nhằm thực hiện đầu tư xây dựng các dự án trang trại chăn nuôi.
Hiện BAF chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của BAF là 4.634 tỷ đồng, giảm 15,2% so với đầu năm. Sự thay đổi phần lớn đến từ mức giảm 40% trong mục khoản phải thu ngắn hạn, ghi nhận 1.582 tỷ đồng. Đây cũng là khoản mục chiếm nhiều tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản công ty, chiếm gần 1/3. Kế đến là hàng tồn kho, ghi nhận 1.448 tỷ đồng, tăng 33%.
Tại cuối tháng 6, BAF đi vay tổng cộng 419 tỷ đồng, chiếm 13% tổng nợ phải trả, hoàn toàn là vay từ các ngân hàng, không vay qua trái phiếu.