Search vài từ khoá về cách thoát khỏi nợ nần, bạn có thể nhận được hàng ngàn kết quả. Tuy nhiên, nợ nần là trải nghiệm không ai mong muốn và chúng ta không thể dễ dàng tìm được câu trả lời để vượt qua chúng mà chỉ tham khảo trên mạng.
Với câu hỏi, "Làm sao để đi qua quãng thời gian mang nợ?" thì một trong những lựa chọn tốt nhất là tìm kiếm những người cũng từng rơi vào trường hợp này. Các người trẻ dưới đây và câu chuyện mà họ gặp phải có thể cho bạn câu trả lời.
Lương thấp nhưng sống "hào phóng"
Phương Anh (25 tuổi, Hà Nội) nhớ lại cách đây 4 năm, cô đi làm nhân viên thực tập tại công ty với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Có thu nhập khá ổn so với mức sống của sinh viên, còn được bố mẹ chu cấp hết mọi chi phí sinh hoạt, nhưng cô nàng lại mang nợ đến 25 triệu đồng chỉ sau khoảng một năm. Nguyên nhân là đến từ lối sống "hào phóng" không chỉ với chính bản thân mà còn là người xung quanh.
Ảnh minh hoạ
"Lương ít nhưng mình chi tiêu 'bạt mạng' lắm. Lúc thì vay trả góp để mua máy tính mới giá 24 triệu đồng, hay mua lại điện thoại cũ giá 10 triệu đồng.
Không chỉ thế, mình còn chi tiêu rất thoáng tay trong các mối quan hệ với người xung quanh. Chẳng hạn trong đám cưới chị, mình được mọi người khuyên chỉ cần đi phong bì 1 triệu đồng là đủ. Nhưng vì thương chị, nên mình còn chi thêm 1 triệu để mua đồ gia dụng tặng vợ chồng họ trong tân hôn. Hay có những lần bạn bè chỉ cần rủ đi du lịch và ăn đồ bên ngoài, dù ví hết sạch tiền tiêu rồi nhưng mình vẫn cố vay mượn để đi chơi cùng bạn".
Phương Anh tâm sự, sở dĩ cô để khoản nợ sinh sôi đến 25 triệu đồng là vì thường "vay vốn" từ người thân. Do đó, cô mang tâm lý rằng không cần mất phí lãi suất và phải trả ngay, nên cứ thiếu tiền là cô liền đi vay nợ. Bên cạnh đó, do ỷ lại người cho vay có tài chính tốt, nên cô nàng tự cho rằng không cần trả họ quá gấp cũng được.
Phương Anh nói thêm: "Tuy nhiên, đây là suy nghĩ cực kỳ tệ. Cho đến một ngày, họ than phiền với mình rất nhiều là vay tiền không chịu trả lại, hay không nói với họ về kế hoạch trả nợ, mình mới biết bản thân sai lầm. Mình cảm thấy xấu hổ với mối quan hệ đang có, cũng như thấy mắc nợ họ rất nhiều. Đó cũng là lúc, mình quyết tâm sống tiết kiệm, kiếm được bao nhiêu đồng thì cũng phải ưu tiên trả nợ".
Mắc nợ vì đầu tư thua lỗ
Hai năm trước, Đức (27 tuổi) không kịp thoát trước cơn lao dốc của thị trường chứng khoán - khoản đầu tư mà anh từng bỏ đến 1/2 thu nhập vào đây vì luôn nghĩ có thể sinh lời tốt. Hệ quả, Đức không chỉ mất trắng tiền đầu tư, mà còn âm 50 triệu đồng. Số tiền nợ tương đương hơn 2 tháng lương của Đức khiến chàng trai từng chật vật để tìm cách xoay xở.
"Khoản nợ 50 triệu đồng không quá nhiều, song chúng khiến mình mất tự tin phần nào để đầu tư. Vì thú thật trước đó mình đầu tư chứng khoán mà chưa từng nghĩ bản thân sẽ thua lỗ.
Thêm nữa trong lúc đang mang nợ thì mình đụng đâu cũng thấy cần tiền. Nào là đưa ba mẹ đi khám bệnh, công ty cắt giảm lương cho đến bản thân cũng phải khám đôi ba bệnh lặt vặt. Khoản nợ 50 triệu đồng không quá lớn, song vì gặp nhiều chuyện xui xẻo nên mình đã khá chật vật để gom đủ tiền trả chúng", Đức nhớ lại.
Ảnh minh hoạ
Làm sao để vượt qua quãng thời gian mang nợ?
Đức cho biết, hành trình trả nợ 50 triệu đồng của anh chàng phải kéo dài đến nửa năm. Vì thời điểm đó, công việc của chàng trai gặp nhiều khó khăn, dẫn đến khả năng trả nợ cũng suy giảm.
Đức chia sẻ: "Ban đầu, mình nói với người cho vay chỉ cần 2 tháng để trả hết nợ. Nhưng sau đó, mình lại hoãn thời gian trả nợ xuống 3 tháng, rồi lại 6 tháng. Mỗi lần xin khất trả nợ, không chỉ đối phương mà mình - người phải trả tiền cũng sốt ruột".
Để nhanh chóng dứt điểm khoản nợ, hàng tháng Đức đã cất riêng 1/2 thu nhập chỉ để phục vụ mục tiêu này. Tiền dành cho ăn chơi, mua sắm thiết bị hay biếu bố mẹ,... đều được chàng trai giảm xuống hết mức. Thời điểm đó, chất lượng sống của chàng trai bị ảnh hưởng khá nhiều, song Đức cũng không dám xin tiền từ bố mẹ.
Còn về phía Phương Anh, cô nàng cho hay để trả hết khoản nợ 25 triệu đồng với mức lương 4-6 triệu đồng là điều không dễ dàng. "Thời điểm trả hết nợ, mình còn nhớ bản thân đã lập tức đi ăn ngon 1 bữa, để bù đắp cho chuỗi ngày 'ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu' vì chủ nợ", Phương Anh nhớ lại.
Do thời điểm đó Phương Anh còn là sinh viên, được bố mẹ chu cấp toàn bộ tiền sinh hoạt, nên hầu hết lương của cô đều được mang đi trả nợ. Chỉ riêng vài tháng, cô sẽ trích lại 1-2 triệu đồng để đóng học phí, thay vì chuyển khoản hết cho chủ nợ.
"Cái cảm giác mà bản thân cứ kiếm được đồng nào, lập tức phải chuyển sang cho chủ nợ thì không dễ chịu chút nào. Bên cạnh đó, mình cũng phải cắt bỏ gần hết khoản tiêu dùng cho cá nhân, vì đã không còn tiền nữa.
Có những tháng, đến cả cây son, kem chống nắng giá bình dân đã hết thì mình cũng không dám mua mới. Mình thèm uống trà sữa, đi cafe cùng bạn thì chỉ đành vay tiền nhỏ lẻ từ họ rồi hẹn tháng sau trả, hoặc thậm chí ở nhà luôn cho tiết kiệm".
Cuối cùng, Phương Anh cho biết đã mất khoảng 8 tháng để trả hết món nợ. Và đây sẽ là bài học đáng nhớ của cô trước khi chính thức bước chân vào thị trường lao động. "Nói chung, khi bạn lớn rồi thì nên có ý thức chi tiêu đúng mức lương kiếm được. Đừng dễ dàng mang nợ vì cảm giác tiền mình kiếm ra chảy vào ví người khác là không dễ chịu chút nào", cô nàng nhắn nhủ lời khuyên.