TSMC, hãng gia công chip của Đài Loan, đang đầu tư 40 tỷ USD cho hai nhà máy ở Phoenix, bang Arizona. Theo tính toán, họ sẽ được ưu đãi về thuế và trợ cấp lên đến 15 tỷ USD khi xây nhà máy tại Mỹ.
Để thu hút tên tuổi sản xuất chip hàng đầu trên thế giới về Mỹ, không chỉ chính sách tài chính mà đội ngũ chuyên gia, lao động chất lượng cao cũng đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên tại Arizona, kế hoạch xây nhà máy mới của TSMC đã bị trì hoãn do thiếu công nhân lành nghề. Công ty tìm cách đưa lao động Đài Loan sang để đảm bảo tiến độ.
Trong báo cáo thu nhập quý II/2023 tháng trước, Chủ tịch TSMC Mark Liu thừa nhận: "Công ty đang gặp thách thức vì không đủ nhân công chuyên môn cao". Tuyên bố này lập tức vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các thành viên công đoàn Arizona. Họ cho rằng việc đưa người nước ngoài vào Mỹ sẽ làm suy yếu một trong những mục tiêu của Đạo luật Chips là tạo ra nhiều việc làm trong nước hơn.
"TSMC thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với công nhân Mỹ", Hội đồng Thương mại Xây dựng Arizona nêu trong thư gửi Quốc hội Mỹ. Họ yêu cầu cơ quan chức năng ngăn việc cấp thị thực cho người từ Đài Loan.
Hội đồng Thương mại Xây dựng Arizona bảo trợ cho 14 công đoàn đại diện cho tiếng nói của đa dạng công nhân từ thợ lắp đường ống, thợ điện đến thợ cơ khí. Brandi Devlin, người phát ngôn của Hội đồng, nói có 25-30% thành viên của họ đang làm việc tại Phoenix, nơi TSMC đặt nhà máy. Đáp lại, hãng sản xuất chip Đài Loan cho rằng việc tuyển dụng lao động nước ngoài chỉ là tạm thời, công ty cũng đang tìm cách để đảm bảo công nhân địa phương không mất việc.
"Một nhóm nhỏ gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ Đài Loan sẽ chia sẻ kiến thức với dân địa phương. Mục tiêu lớn hơn chúng tôi hướng đến là nội địa hóa chuỗi cung ứng của Mỹ", TSMC nói. Theo một số nguồn tin, công ty đã xin thị thực cho khoảng 500 người. Một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ không xác nhận con số này, nhưng cho biết sẽ hợp tác để TSMC đủ lao động cần thiết trong việc xây dựng và vận hành nhà máy chế tạo chất bán dẫn phức tạp.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden coi Đạo luật Chips là một trong những sáng kiến nổi bật trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc. Thống đốc bang Arizona Katie Hobbs đã đến thăm công trường của TSMC ngày 9/8 để xem xét về quyền lợi của người lao động.
"Arizona sẽ tích cực đào tạo lực lượng lao động. Các lãnh đạo doanh nghiệp và doanh nhân trong ngành hiểu rõ về tình trạng thiếu hụt lao động đang là trở ngại lớn để Mỹ lôi kéo các nhà sản xuất chip. Châu Á là quê hương của những công ty đang thống trị nguồn cung chất bán dẫn trên toàn cầu. Nơi đó có lợi thế về nguồn lao động dồi dào, lành nghề và chi phí sản xuất thấp", bà nói.
Hamilton Galloway, đứng đầu bộ phận tư vấn của công ty nghiên cứu Oxford Economics, cho biết: "Đạo luật Chips đang thực hiện chính xác những kế hoạch được vạch ra trước đó là thu hút đầu tư và mở rộng năng lực sản xuất của Mỹ. Bây giờ chúng ta phải vượt qua những thách thức về lao động có trình độ để đạt mục tiêu đặt ra".
Trước đó, nghiên cứu của Oxford và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn dự đoán ngành chip Mỹ sẽ đối mặt với tình trạng thiếu 67.000 công nhân vào năm 2030. Trong số lao động bị thiếu hụt có 39% là kỹ thuật viên, kinh nghiệm hai năm trở lên, 35% kỹ sư, số còn là chuyên gia cao cấp bậc sau đại học trở lên.
Tuy nhiên, các quan chức của chính quyền Biden cho rằng căng thẳng lao động ở Arizona không phản ánh toàn bộ tình trạng thiếu công nhân bán dẫn của Mỹ. Người phát ngôn Nhà Trắng Robyn Patterson nói: "Các công ty khắp thế giới đang đầu tư vào Mỹ vì họ biết nơi đây có những kỹ sư, nhà khoa học, công nhân giỏi nhất". Bà cho biết các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp đều đang mở rộng hoạt động đào tạo công nhân bán dẫn để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày một tăng.
Ngược lại, những công ty chip đến Mỹ tìm kiếm cơ hội mới như TSMC cũng có những vướng mắc riêng. Ngoài thiếu hụt lao động, công ty cho biết họ đang gặp rắc rối liên quan đến chi phí xây dựng cao, không được mở rộng hoạt động đến Trung Quốc. TSMC thường xuyên phải tổ chức các cuộc thảo luận với nhà thầu về an toàn lao động, tăng cường đào tạo công nhân bản địa, song song với việc dùng lao động nước ngoài để kịp tiến độ xây dựng nhà máy.
(theo WSJ)