Doanh nghiệp

Nội chiến Hòa Bình Corp: Đến lượt ông Nguyễn Công Phú biên “tâm thư”, nhấn mạnh do năng lực quản lý của ông Hải kém nên giờ DN rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có

Sau tâm thư của ông Lê Viết Hải đề cập chuyện “các cá nhân đang bôi nhọ danh dự, không loại trừ có động cơ tiếp tay cho các thế lực muốn thâu tóm công ty”, phía ông Nguyễn Công Phú cũng gửi “thư ngỏ” tới CBCNV và cổ đông CTCP Tập đoàn xây dựng Hoà Bình (HBC).

Thư ngỏ cho biết: Năm mới 2023 hứa hẹn sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của Hòa Bình với mô hình quản trị mới, thực hiện tái cấu trúc, cải cách toàn diện Tập đoàn và các công ty con, công ty liên kết và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của cả Tập đoàn sinh lợi nhuận.

Tuy nhiên, để xoay chuyển tình thế khó khăn của Tập đoàn hiện đang phải gánh chịu do những quyết định sai lầm của Ban Lãnh đạo trước đây, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi toàn bộ tập thể cùng chung tay góp sức”.

“Như các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí đã đăng tải trong những ngày gần đây, sự chuyển giao quyền điều hành Tập đoàn đang bị ngăn cản bởi chính cựu Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải – người đang cố níu kéo việc tại vị một cách bất hợp pháp”, thư của ông Phú nêu.

Theo ông Phú, sau khi HĐQT nhận đơn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải, cùng với việc thông qua đơn xin từ nhiệm (được ký ngày 12/12/2022), toàn bộ các thành viên HĐQT đã biểu quyết và nhất trí bầu ông làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình kể từ ngày 01/01/2023 (Nghị quyết HĐQT số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC và số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022).

Ông Phú cho rằng vì những lý do lợi ích cho cá nhân, ông Hải đã bất ngờ thay đổi.

Trong lúc Tập đoàn Hòa Bình cần phải thể hiện một diện mạo mới – năng động và sáng tạo hơn, thì những hành động tuyệt vọng của ông Hải lại càng làm tổn hại hình ảnh của Tập đoàn, đồng thời khiến tập thể CBCNV cũng như các cổ đông ít nhiều thêm lo lắng, bất an”.

“Thiết nghĩ, việc làm thiếu cân nhắc và độc đoán này của ông Hải một lần nữa phản ánh những quyết định sai lầm của ông trước đây đã khiến khó khăn của tập đoàn ngày càng thêm trầm trọng trong những năm qua. Do năng lực quản lý kém, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, vốn nổi tiếng bởi đội ngũ kỹ sư, công nhân giàu kinh nghiệm, lành nghề và những công trình xây dựng chất lượng cao, giờ đây phải rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có. Chính vì thế, nhằm mục đích xoay chuyển tình thế hiện tại của Tập đoàn, HĐQT đã quyết định bổ nhiệm tôi làm tân Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình”, ông Phú nói trong thư ngỏ.

Ông Phú cũng cho biết không đợi đến khi chính thức ngồi vào vị trí Tân Chủ tịch, ông đã bắt đầu vạch ra các chiến lược nhằm đưa con tàu Hòa Bình vượt qua bão táp.

Chuyến công tác hiện tại của tôi tại Châu Âu nhằm mục đích gặp gỡ các Tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và các quỹ đầu tư quốc tế. Bước đầu, các Tập đoàn và quỹ đầu tư này đồng ý hợp tác với Hòa Bình với giá trị đầu tư từ 2.000 - 10.000 tỷ đồng”.

“Đây chỉ là bước khởi đầu. Hòa Bình cần có những đối tác hùng mạnh để tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, để thuyết phục họ hợp tác, Tập đoàn phải được quản lý một cách chặt chẽ, khoa học và hoạt động kinh doanh phải có lợi nhuận phù hợp. Để làm được điều này, việc cải cách và tái cấu trúc trên diện rộng trong Tập đoàn phải được thực hiện càng sớm càng tốt”, “tâm thư” của ông Phú nêu.

Ông Phú cũng khẳng định việc cùng sát cánh bên nhau, vượt qua cản trở của ông Hải, Hòa Bình sẽ khôi phục lại được vị thế Tập đoàn Xây dựng số 1 tại Việt Nam và hướng đến trở thành Công ty xây dựng hàng đầu châu lục.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm