Tài chính

Nở rộ tình trạng doanh nghiệp "chây ì" công bố BCTC kiểm toán 2022, không ít tên tuổi lớn với kết quả kinh doanh lao dốc

Mùa BCTC kiểm toán đã qua nhiều ngày song thị trường vẫn ghi nhận nhiều doanh nghiệp "ì ạch" trong việc công bố. Trong số đó, không ít tên tuổi lớn vẫn đưa ra nhiều lý do và chậm chễ nộp báo cáo tài chính. Điểm chung của hầu hết những doanh nghiệp này là kết quả kinh doanh không mấy khả quan, cộng thêm nhiều biến cố trong hoạt động kinh doanh.

Cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam–CTCP (Vietnam Airlines) bị đưa vào diện kiểm soát của HoSE từ ngày 12/5 với lý do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Trước đó, Vietnam Airlines đã xin hoãn công bố tuy nhiên bị UBCKNN từ chối do lý do của doanh nghiệp không thuộc trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc các lý do bất khả kháng khác…

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp hàng không này chậm công bố thông tin, tình trạng đã diễn ra thường xuyên hàng năm và năm 2022 là năm thứ 4 liên tiếp Vietnam Airlines chậm trễ nộp BCTC.

Theo BCTC hợp nhất tự lập quý 4/2022, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần năm 2022 đạt 70.500 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí đã khiến hãng hàng không này lỗ ròng hơn 10.400 tỷ đồng năm 2022. Với việc lỗ nặng 3 năm liên tiếp, Vietnam Airlines đang lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Điều này đẩy cổ phiếu HVN của hãng hàng không này đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết. Trước tình hình trên, HoSE đã nhiều lần có công văn gửi đến Vietnam Airlines lưu ý về điều này.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) cũng ghi nhận chậm nộp BCTC 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Cổ phiếu HBC cũng bị HoSE chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch phiên chiều.

Theo trình bày từ phía Hòa Bình, công tác quản trị nội bộ của công ty thời gian qua đã phát sinh một số vấn đề. Bên cạnh đó, tình hình của thị trường bất động sản và tài chính biến động, hàng loạt các công trình phải ngưng thi công dẫn đến việc xác nhận khối lượng, giá trị hoàn thành từ chủ đầu tư gặp khó khăn, ảnh hưởng tới vấn đề thanh quyết toán.

Doanh nghiệp cho biết đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để hoàn thành BCTC năm 2022 song bỏ ngỏ thời gian công bố, chỉ để "trong thời gian sớm nhất". Ngoài ra trong năm 2024 tới, Hòa Bình sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định về công bố BCTC năm 2023 đúng thời hạn.

Theo báo cáo tự lập, HBC lỗ đột biến 1.200 tỷ đồng quý 4/2022, khiến kết quả cả năm thua lỗ 1.141 tỷ đồng, xóa hết sạch lợi nhuận chưa phân phối và chuyển sang lỗ lũy kế 689 tỷ đồng. Sang quý 1/2023, Công ty tiếp tục báo lỗ thêm 445 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên trên 1.100 tỷ đồng.

Một cái tên quen thuộc khác thuộc nhóm bất động sản là CTCP Đầu tư Hải Phát (mã: HPX) cũng đã vi phạm khi quá thời hạn công bố BCTC kiểm toán.

Cổ phiếu HPX từng bị đưa vào diện kiểm soát vào ngày 12/5, tới ngày 23/5, HPX tiếp tục được chuyển sang diện hạn chế giao dịch. Hiện công ty vẫn chưa có văn bản giải trình về sự việc này.

Ngoài ra, Hải Phát còn chưa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023. Vào ngày 15/5, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM HoSE đã có lần thứ 2 nhắc nhở công ty và đề nghị Hải Phát nhanh chóng công bố thông tin theo quy định.

Theo BCTC lũy kế cả năm 2022, công ty ghi nhận tổng doanh thu 1.635 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 142 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và giảm 57% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể điểm tên những gương mặt khác "chây ì" trong việc thực hiện nghĩa vụ CBTT. Đầu tư Apax Holdings (mã: IBC), Chứng khoán Trí Việt (Mã: TVB), Xuất nhập khẩu An Giang (mã: AGM) hay Tập đoàn Tiến bộ (mã: TTB) đều đã đồng loạt nhận quyết định vào diện hạn chế giao dịch của HOSE, chỉ được giao dịch phiên chiều với cùng một lý do "chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày". Đây đều là những doanh nghiệp ghi nhận tình hình kinh doanh lao dốc trong quý 4 cũng như cả năm 2022. Dù đã có văn bản xin "khất" nộp nhưng đều bị UBCKNN từ chối.

Trên sàn HNX, chậm trễ nộp BCTC quá 45 ngày, Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (mã: TVC ) và Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ (mã: TKC) mới đây đã bị đưa vào diện hạn chế và chỉ được giao dịch trong phiên thứ 6 hàng tuần. HNX cũng duy trì diện hạn chế giao dịch từ ngày 22/05 đối với một loạt cổ phiếu như: PVA, PCN, PID, PPI, PSG, PX1. .. do chậm nộp BCTC 2022 đã kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn chậm nộp BCTC năm và bán niên của các năm trước đó, hoặc vốn chủ sở hữu âm hay không tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên trong 2 năm gần nhất.

Tại sàn UPCoM, một tên tuổi lớn là "kỳ lân công nghệ" VNG (mã chứng khoán: VNZ) cũng bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/5 với cùng lý do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày. Tuy nhiên sau đó, vào ngày 29/5, công ty đã công bố BCTC được kiểm toán bởi EY.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của VNZ giảm thêm 219 tỷ đồng so với báo cáo tự lập xuống mức 1.534 tỷ đồng. Khoản lỗ ròng từ 858 tỷ đồng trước kiểm toán tăng lên thành 1.077 tỷ đồng sau kiểm toán. Nguyên nhân được công ty giải thích do ghi nhận thêm các khoản chi phí liên quan đến thuế, tài sản cố định vô hình và dự phòng cho các hoạt động đầu tư tài chính. Với việc tăng lỗ, đây là mức thua lỗ lớn thứ 4 trong số các doanh nghiệp lỗ lớn nhất năm 2022 trên sàn chứng khoán.

Trên thị trường, VNZ hiện đang dừng ở mức 771.900 đồng/cp và vẫn đang là cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, so với mức đỉnh đạt được vào giữa tháng 2, cổ phiếu này đã giảm khoảng 43% thị giá. Vốn hoá tương ứng “bốc hơi” gần 17.000 tỷ đồng sau hơn 3 tháng, còn chưa đến 1 tỷ USD (~22.200 tỷ đồng).

Cá biệt, dù đã sang tới quý 2/2023 nhưng vẫn có doanh nghiệp thậm chí chưa công bố BCTC kiểm toán 2 năm trước. Đó chính là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Biến cố bắt đầu diễn ra sau những sự vụ vi phạm nghiêm trọng liên quan tới Cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết trên thị trường chứng khoán. Đến thời điểm hiện tại, FLC vẫn chưa thể công bố BCTC kiểm toán năm 2021, BCTC kiểm toán bán niên 2022 và cả năm 2022. BCTC tự lập quý 4/2022 và quý 1/2023 cũng chưa được công bố.

Cổ phiếu FLC sau khi bị huỷ niêm yết trên HoSE đã chuyển về giao dịch trên sàn UPCoM song lập tức bị đình chỉ giao dịch do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy bỏ niêm yết nhằm bảo về quyền lợi của nhà đầu tư. Con đường trở lại sàn chứng khoán của FLC vẫn còn khá xa khi doanh nghiệp sau bao lần cam kết hạn nộp vẫn liên tục lỗi hẹn.

Các tin khác

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Hôm nay (6/4), miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi có mưa vừa đến mưa to. Dự báo hình thái này duy trì đến hết ngày 7/4. Khu vực Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Các khu vực khác ít mưa, hửng nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Miền Bắc chuyển mưa rét từ đêm nay

Từ đêm nay không khí lạnh sẽ khiến nền nhiệt giảm sâu ở miền Bắc, trời chuyển rét, đồng thời có mưa rào rải rác. Trong sáng nay, khu vực Đông Bắc Bộ cũng có mưa nhỏ, mưa phùn. Các khu vực khác trên cả nước ngày nắng, riêng Nam Bộ, vùng núi phía Tây của Bắc Trung Bộ nắng nóng.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (26/3), giá vàng trong nước tiếp tục duy trì đà tăng ngày thứ 2 liên tiếp. Theo đó, giá vàng SJC tiến sát mốc 98 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn gần 99 triệu đồng/lượng.

Tiền vào chứng khoán giảm mạnh

Nhà đầu tư thận trọng trước áp lực chốt lời ở nhóm ngân hàng và bất động sản khiến thanh khoản sàn TP HCM giảm mạnh, đứt mạch hơn 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Giá vàng tăng dựng đứng

TPO - Sáng nay (15/3), giá vàng trong nước tiếp tục tăng dựng đứng. Theo đó, giá vàng nhẫn lên mốc kỷ lục mới 96,5 triệu đồng/lượng, vàng miếng gần chạm mốc 96 triệu đồng/lượng.

SCB tuyển nhân viên xử lý khiếu nại, tố tụng

SCB cho biết đang tuyển một số vị trí việc làm, trong đó có nhân viên, chuyên viên xử lý khiến nại – tố tụng. Công việc là hỗ trợ giải quyết các tranh chấp, khiếu nại với người lao động (xử lý kỷ luật lao động), khách hàng, đối tác,…nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của ngân hàng.