Theo Nikkei, Nikon đang ứng dụng i-Line, công nghệ được thương mại hóa lần đầu năm 1990, để thiết kế máy gia công chip. Sản phẩm hoàn thiện dự kiến đến tay các đối tác Trung Quốc vào hè năm sau.
Dù không phải công nghệ tiên tiến, i-Line phù hợp để áp dụng vào máy sản xuất chip, tạo sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng và độ bền. Thiết bị có thể xử lý trên vật liệu nền silicon carbide (SiC) và gallium nitride (GaN), đồng thời chi phí chế tạo cũng thấp hơn 20-30% so với sản phẩm của Canon.
Đại diện Nikon cho biết đã tận dụng linh kiện có sẵn nhằm tối ưu hóa về mức giá. Ngoài Trung Quốc, hãng kỳ vọng có thêm đơn đặt hàng từ Đài Loan và thị trường Nhật Bản.
Về lệnh cấm của Mỹ, Nikon tin thiết bị i-Line sẽ nằm ngoài phạm vi kiểm soát xuất khẩu. "Công ty đã thảo luận vấn đề với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI). Chúng tôi sẽ không gặp phải vướng mắc gì", Masato Hamatani, đứng đầu mảng bán dẫn của Nikon, nói. Còn theo đại diện METI, ngay cả khi thuộc diện bị kiểm soát, sản phẩm của Nikon vẫn có thể được xuất khẩu nếu đáp ứng giới hạn về hiệu suất và xác định rõ mục đích của người mua.
Nikon từng có khả năng cạnh tranh lớn trên thị trường bán dẫn. Đầu những năm 1990, hãng giữ vai trò nhà cung cấp thiết bị in thạch bản cho quá trình sản xuất chip của Intel. Tuy nhiên, sau khi ASML thương mại hóa công nghệ quang khắc tia cực tím (EUV), Nikon dần hụt hơi so với đối thủ.
Theo thống kê của công ty dịch vụ tài chính MUFG, ASML hiện độc quyền về kỹ thuật EUV và nắm 62% thị phần máy gia công chip toàn cầu. Canon xếp thứ hai với 31%. Trong khi đó, Nikon chỉ chiếm khoảng 7%.
Để tiếp tục bám đuổi đối thủ, Nikon tìm cách cân đối giữa các mảng kinh doanh của mình. Hiện tại, việc bán máy ảnh mang tới doanh thu ổn định, nhưng nỗ lực sản xuất thiết bị bán dẫn lại tạo lực cản về mặt tài chính. Đến hết tháng 3/2024, công ty dự đoán lợi nhuận sẽ tiếp tục giảm 22%, xuống còn 35 tỷ yên (233 triệu USD). Các chuyên gia đánh giá Nikon muốn đưa mảng bán dẫn trở thành một trong những nguồn tạo doanh thu chính trong những năm tới.
Cũng theo Nikkei, lượng kỹ thuật viên của Nikon tại Trung Quốc đã tăng 50% so với 2020. Ngoài ra, hãng còn tăng cường dịch vụ chăm sóc khách hàng ở Thượng Hải và nhiều nơi khác.
"Trong thời gian dài, Nikon đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao nhưng mang lại lợi nhuận thấp. Hiện công ty cần tăng lợi nhuận từ thiết bị bán dẫn để cải thiện kết quả kinh doanh. Chúng tôi tin thị trường sẽ xuất hiện nhu cầu lớn dành cho máy sản xuất chip i-Line", Takeru, Hanaya, nhà phân tích cấp cao tại công ty SMBC Nikko, đánh giá.