Tài chính

Những triết lý của người Nhật về cách tiêu tiền sẽ giúp bạn đổi đời

Trong khi trí tuệ Nhật Bản chạm đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta, bài viết này sẽ nói về những triết lý đã giúp tôi kiểm soát tình trạng bội chi.

Chisoku

Để bắt đầu, hãy nói về Chisoku. Chisoku có nghĩa là "Hãy hài lòng", tức là hãy bằng lòng với những gì mà bạn đang có.

Chúng ta thường mua nhiều thứ hơn mức cần thiết bởi những cách tiếp thị thông minh và những cám dỗ khiến bản thân tin rằng mình cần mua nhiều hơn nữa.

Sáng nay tôi cũng trải qua cám dỗ như vậy. Lúc đang đi lang thang gần khu vực bán đồ bếp trong siêu thị, một chiếc giá trưng bày đầy những chiếc cốc màu pastel rực rỡ đã thu hút sự chú ý nơi tôi.

Những triết lý của người Nhật về cách tiêu tiền sẽ giúp bạn đổi đời - Ảnh 1.

Không cưỡng lại nổi, tôi bắt đầu chọn một tá cốc để làm sống động thêm căn bếp của mình. Nhưng rồi, một khoảnh khắc thoáng qua trong đầu đã nhắc nhở tôi về Chisoku. Tôi nhớ ra thực chất mình đã có nhiều cốc lắm rồi và không cần mua thêm chiếc nào nữa cả.

Nếu bây giờ tôi có tổ chức một bữa tiệc trà cho 20 người thì cũng không dùng hết được số cốc trong nhà. Với nhận thức này, tôi đặt những chiếc cốc sặc sỡ lại vị trí ban đầu và đi tìm những món đồ mà mình thật sự cần mua.

Đây là vấn đề mà tôi trăn trở đã lâu. Khi nói đến trang trí nhà cửa, vợ chồng tôi thường rất khó chịu đối với những thiết kế tối giản. Chúng tôi nhồi đầy nhà với những vật dụng trang trí. Nếu những món đồ ấy bị mòn hay hỏng, vợ chồng tôi sẽ thay thế chúng bằng những thứ khác.

Vấn đề là: Nhu cầu thì có hạn nhưng mong muốn có thể là vô hạn.

Trong những tình huống tương tự thế này, việc ghi nhớ triết lý Chisoku sẽ giúp bạn cắt giảm chi tiêu không cần thiết. Ngừng tiêu tiền vào những thứ bạn không cần. Thay vào đó, hãy tiết kiệm số tiền đó để mua thứ gì thực sự khơi dậy niềm vui trong cuộc sống của bạn.

Wabi Sabi

Wabi Sabi nói về việc tìm kiếm vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo. Khi mọi thứ "có tuổi" hoặc thậm chí là mục nát, chúng lại có vẻ đẹp riêng, thậm chí là đẹp hơn cả đồ mới.

Tôi đã muốn thay một cái ví mới. Cái ví hiện tại vốn không có vấn đề gì cả, không rách cũng không sờn. Nhưng quảng cáo ví da trên Instagram đã "dụ dỗ" khiến tôi muốn mua một cái mới.

Nhưng sau khi xem xét vài chiếc ví trên shop online, tôi nhận ra rằng không có cái nào có độ bóng đẹp như chiếc ví đang nằm trong túi của tôi.

Đó là lúc Wabi Sabi hiện lên trong tâm trí của tôi. Tôi đã phải ngưng dùng tiêu chuẩn "những món đồ sáng bóng mới mẻ" để đánh giá cao vẻ đẹp xung quanh mình. Sau đó, tôi quyết định sử dụng chiếc ví hiện có cho đến khi nó không còn dùng được nữa.

Những triết lý của người Nhật về cách tiêu tiền sẽ giúp bạn đổi đời - Ảnh 2.

Hãy nhớ điều này: Nhiệm vụ của các công ty là làm cho sản phẩm mới trông hấp dẫn nhất có thể. Đó là cách họ thu hút khách hàng. Tuy nhiên, nếu bạn bắt đầu đánh giá vẻ đẹp và đặc tính của những thứ bạn đã sở hữu, bạn sẽ sớm thấy rằng mình không cần phải thay thế đồ đạc thường xuyên.

Đối với những món đồ không phải nhu yếu phẩm, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản đáng kể khi không thay chiếc bàn vốn đang hoàn hảo tốt đẹp của mình bằng một mẫu mới hơn.

Hãy mang một chút Wabi Sabi vào cuộc sống của bạn.

Mitate

Mitate dạy chúng ta rằng mọi thứ đều có nhiều hơn một công dụng.

Lớn lên trong một gia đình Ấn Độ, tôi đã có suy nghĩ này từ thời thơ ấu. Tôi đã thấy mẹ bóc nhãn của lọ mứt và sử dụng những chiếc lọ ấy làm hộp đựng gia vị. Việc mua một chiếc lọ có chức năng chuyên dùng để đựng bột ớt là một khái niệm xa lạ đối với tôi.

Cho đến gần đây, niềm tin của tôi lại được đổi mới hơn khi thấy vợ mình sử dụng những chai soda để trồng cây kim tiền trong nhà của chúng tôi. Chỉ cần bỏ nhãn, rửa sạch chai, đổ đầy nước và đặt cây vào trong, trông chúng khá hoàn hảo để làm chậu cây để trong nhà.

Mỗi khi ánh sáng mặt trời chiếu vào, những chậu cây từng là chai nước ngọt ấy sáng lấp lánh lên và mang đến cảm giác thư giãn lạ lùng.

Những triết lý của người Nhật về cách tiêu tiền sẽ giúp bạn đổi đời - Ảnh 3.

Chúng ta vốn có thể đi mua những chiếc bình đắt tiền để trồng cây. Nhưng bằng cách tái sử dụng như trên, bạn đã thổi một luồng sinh khí mới vào một đồ vật tưởng chừng phải bỏ đi và tiết kiệm cho bản thân được kha khá tiền bạc.

Chi tiêu có ý thức không đồng nghĩa với tiết kiệm

Mặc dù tôi thường tiết kiệm nhiều nhất có thể mỗi tháng nhưng tôi không hề hà tiện.

Tôi vung tiền vào những món đồ hay những trải nghiệm khiến tôi vô cùng tận hưởng.

Chi tiền một cách có ý thức giúp tôi làm được điều đó. Tôi từng chi tiền cho tất cả những thứ đẹp đẽ mà tôi nhìn thấy nhưng cuối cùng lại không có tiền để mua những thứ thực sự giúp tôi cải thiện chất lượng cuộc sống.

Với tư duy chi tiêu có ý thức, tôi đã thay đổi cuộc sống của mình trở nên vô cùng tốt đẹp bởi những đồng tiền tôi bỏ ra là xứng đáng. Những nguyên tắc của người Nhật này đã hướng dẫn tôi đưa ra quyết định sáng suốt.

Vì vậy, lần tới, khi bạn muốn mua một thứ gì đó, hãy áp dụng những nguyên tắc này để xác định xem bản thân có thật sự cần mua chúng hay không.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm