Dưới đây là những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần tới:
1/ Dữ liệu lạm phát Mỹ
Dữ liệu lạm phát Mỹ, công bố vào 29/3, rất quan trọng đối với thị trường sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ vững quan điểm sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, ngay cả khi triển vọng kinh tế mạnh mẽ hơn.
Theo kết quả một cuộc thăm dò của Reuters, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân tháng 2 của Mỹ ước tính tăng 0,4% so với tháng 1. Chỉ số PCE tháng 1 đã tăng 0,3% so với tháng trước đó, trong khi mức tăng lạm phát hàng năm nhỏ nhất trong ba năm.
Fed vừa nâng mức dự báo về lạm phát - dự đoán rằng chỉ số PCE không bao gồm lương thực và năng lượng ở thời điểm cuối năm 2024 sẽ tăng 2,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức 2,4% dự báo hồi tháng 12/2023.
Bất kỳ dữ liệu nào cho thấy lạm phát đang gia tăng cũng đều có thể làm tiêu tan hy vọng rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed sẽ sớm bắt đầu, thay vì đó sẽ là dự đoán Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong một thời gian khá lâu nữa.
2/ Các ngân hàng trung ương lớn vẫn thận trọng
Ngay khi Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) cho rằng lạm phát cuối cùng đã về sát mức kỳ vọng và đến lúc để bắt đầu giảm bớt xu hướng thắt chặt tiền tệ, số liệu việc làm mạnh mẽ đã gây ra một 'cú sốc' cho họ.
RBA sẽ theo dõi báo cáo lạm phát của Úc, công bố vào thứ Tư (27/3) để xem có sự bất ngờ nào không, do dữ liệu tháng 2 sẽ cho thấy nhiều thay đổi về giá đối với một loạt dịch vụ - vốn đang giảm với tốc độ chậm hơn so với hàng hóa.
Trên khắp châu Á, bất kỳ dấu hiệu giảm lạm phát nào ở Singapore và nước láng giềng Malaysia cũng khó có thể tác động đáng kể đến các nhà hoạch định chính sách, những người được cho là sẽ giữ chính sách tiền tệ không thay đổi trong một thời gian nữa.
Số liệu giá tiêu dùng của Tokyo sẽ được công bố vào thứ Sáu (29/3). Điều đó có thể ít gây hứng thú hơn vì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cuối cùng đã quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm.
3/ Làn sóng cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu?
Các nhà giao dịch đang khá phấn khích sau một số sự kiện xảy ra gần đây, trong đó có việc BOJ tăng lãi suất và Thụy Sỹ bất ngờ cắt giảm lãi suất.
Động thái của Thụy Sĩ, cộng với tín hiệu về việc nới lỏng chính sách của Ngân hàng Anh, có nghĩa là các ngân hàng trung ương lớn khác đang chuẩn bị cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu. Dữ liệu kinh tế và những thông điệp của các ngân hàng trung ương trong những ngày tới sẽ được theo dõi chặt chẽ.
Câu hỏi đặt ra là Mỹ sẽ hành động như thế nào? Hiện tại, Fed đang bám sát kế hoạch sẽ cắt giảm lãi suất ba lần trong năm 2024, nhưng dữ liệu kinh tế mạnh mẽ và lạm phát ở mức cao có thể làm hỏng kế hoạch đó.
Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư làm thế nào? Họ mua trái phiếu chính phủ ở châu Âu và bán các loại tiền tệ của những nước có lãi suất ngày càng khác xa so với Fed.
Không có gì ngạc nhiên khi đồng franc Thụy Sĩ sụt giảm sau đợt SNB cắt giảm lãi suất hôm thứ Năm vừa qua và ngay cả đồng bảng Anh đang tăng giá cũng quay đầu giảm sau khi BoE phát tín hiệu ôn hòa trong chính sách.
4/ Thụy Điển sẽ tiên phong giảm lãi suất
Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank), ngân hàng lâu đời nhất thế giới, dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất chủ chốt vào ngày 27 tháng 3. Nhưng họ có thể thông báo rằng đợt cắt giảm lần đầu tiên, kể từ khi bắt đầu thắt chặt chính sách vào mùa xuân năm 2022, sắp đến gần.
Lạm phát chung đã chậm lại và gần đạt mục tiêu 2% và tăng trưởng đã chững lại khi các hộ gia đình và doanh nghiệp phải vật lộn với lãi suất ở mức cao nhất trong hơn 15 năm.
Hồi tháng 2, Riksbank cho biết lãi suất đã đạt đỉnh và thậm chí có thể bắt đầu nới lỏng chính sách vào nửa đầu năm 2024.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Thụy Điển vẫn lo lắng về rủi ro suy thoái - đặc biệt là khả năng đồng crown của Thụy Điển yếu đi nếu Riksbank không đồng hành với ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Do đó, thị trường sự kiến Riksbank sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 5 hoặc tháng 6.
5/ IPO sẽ làm nóng thêm thị trường chứng khoán thế giới
Việc ra mắt hai trong số những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất châu Âu trong 12 tháng qua đang nằm trong tầm ngắm của các nhà giao dịch.
Thị trường kỳ vọng sẽ thấy một số thành công rực rỡ trên thị trường IPO để duy trì xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán.
Nhà bán lẻ nước hoa Douglas của CVC đã huy động được khoảng 850 triệu euro (922,93 triệu USD). Công ty định giá cổ phiếu của mình ở mức thấp nhất trong một phạm vi được chỉ định. Cổ phiếu của họ họ đã giảm hơn 12% khi ra mắt vào thứ Năm vừa qua.
Nhưng công ty chăm sóc da GaldermaGALD.S đã định giá IPO 2,3 tỷ franc Thụy Sĩ (2,56 tỷ USD) ở mức cao nhất trong phạm vi giá được chỉ định và cổ phiếu của họ tăng vọt trong ngày giao dịch đầu tiên vào thứ Sáu.
Hiệu suất tốt có thể giúp các công ty khác làm theo, bao gồm cả CVC.
Điều đó sẽ giúp duy trì sự hưng phấn cho thị trường cổ phiếu.