Trong kế hoạch, năm 2023, Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 (F88) dự kiến giải ngân gần 1 tỷ USD, tương đương 22.000 tỷ đồng và sẽ chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2024 với quy mô vốn hóa đạt 1 tỷ USD, hệ thống phòng giao dịch đạt 1.400 phòng.
Vậy, những ông lớn nào đã “rót” tiền để F88 lớn mạnh như hiện nay?
Đầu tiên phải kể đến Quỹ đầu tư Mekong Enterprise Fund IV. Cách đây ít hôm, Quỹ này chính thức thông báo việc tiếp tục đầu tư vào chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích F88 với số vốn góp vào khoảng 20 triệu USD và là lần thứ 3 liên tiếp đầu tư cho F88, sau các năm 2017 và 2020 (con số dù không được tiết lộ - PV).
Quỹ đầu tư Việt Nam Oman (VOI) cũng vừa công bố đầu tư vào F88 với tổng giá trị góp vốn lên đến 30 triệu USD. VOI là quỹ đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước Việt Nam và Ủy ban Đầu tư Chính phủ Oman.
Toàn bộ số vốn 50 triệu USD từ quỹ Mekong Enterprise Fund IV và quỹ VOI này sẽ được F88 tái đầu tư vào 3 hạng mục chính là nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; mở rộng điểm bán và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, thu hút nhân tài.
Phát biểu tại buổi tiếp nhận nguồn vốn 50 triệu USD từ Quỹ đầu tư Mekong Enterprise Fund IV và VOI, ông Phùng Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc F88 - cho biết, toàn bộ số vốn mà F88 nhận được từ hai Quỹ này sẽ được sử dụng nhằm thúc đẩy hoạt động phân phối các sản phẩm tài chính toàn diện ở Việt Nam.
Về chiến lược phát triển, ông Tuấn cho biết, trong 5 năm tới, F88 kỳ vọng trở thành cầu nối giúp người lao động phổ thông, người không có tài khoản ngân hàng hoặc có tài khoản ngân hàng nhưng không đủ điều kiện sử dụng dịch vụ tài chính từ ngân hàng.
Cũng nhắm đến việc phổ cập và chiếm lĩnh thị trường cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện, từ năm 2022 đến nay, F88 đã có được sự hợp tác vốn từ nhiều nguồn khác nhau.
Năm 2022, doanh nghiệp này đã huy động thành công 70 triệu USD từ các Quỹ tài chính như CLSA Capital Partners (HK), Limited (Lending Ark) và Lendable (London). Tiếp đến là kết hợp với các ngân hàng quốc tế như CIMB Việt Nam (chi nhánh của tập đoàn CIMB có nguồn gốc từ Malaysia) và Kasikornbank (Kbank) là một trong ba ngân hàng lớn nhất Thái Lan để phân phối các sản phẩm tài chính toàn diện tại Việt Nam, trong đó có các khoản vay theo hình thức cầm cố tài sản.
Được biết, F88 thành lập năm 2013, do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy phép hoạt động. Trụ sở chính của F88 đặt tại Toà nhà N01A, số 275 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Ông Phùng Anh Tuấn (39 tuổi) là Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật doanh nghiệp này. Tại thời điểm tháng 10/2022, vốn điều lệ của F88 là hơn 566 tỷ đồng. Loại hình doanh nghiệp của Công ty F88 là công ty cổ phần chưa đại chúng. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là cho vay, dịch vụ cầm đồ.
Trên website, F88 giới thiệu có hệ thống cửa hàng từ Hà Giang đến Cà Mau. Năm 2021, F88 và Thế giới Di động, Điện máy xanh đã hợp tác để triển khai cho vay tiền mặt mà không cần phải mua hàng hoá, sản phẩm.
Hiện nay, chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích F88 đã có hơn 830 phòng giao dịch trên toàn quốc. Tốc độ tăng trưởng dư nợ và khách hàng trong 3 năm liên tiếp của đơn vị này đạt gần 200%.
Ngày 6/3, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp cùng Công an TPHCM và Công an quận Gò Vấp đã tiến hành khám xét trụ sở của Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 (đặt trên tầng 7 và 8 của một tòa nhà nằm trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp). Sự việc gây xôn xao dư luận.
Ngày 7/3, F88 đã phát đi thông cáo báo chí cho biết, vụ việc cơ quan chức năng khám xét là để thu thập thông tin phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến một nhân sự của F88. Sau khi nhận thông tin trên, ban lãnh đạo công ty đã chỉ đạo các phòng ban có liên quan phối hợp với cơ quan chức năng cung cấp thông tin để điều tra làm rõ sự việc.