Theo số liệu về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) của Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng chứng khoán nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là hơn 474,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 30% vốn điều lệ ngân hàng.
Dữ liệu của WiGroup cho thấy SBI Ven Holding Pte. Ltd và nhóm cổ đông liên quan (Công ty TNHH SP, Công ty TNHH JB, Công ty TNHH VG và Công ty TNHH FD) đang sở hữu hơn 316,3 triệu cổ phần tại TPBank, tỷ lệ 20%. Trong khi, hai cổ đông ngoại khác là PYN Elite Fund (Non-UCITS) và International Finance Corporation (IFC) nắm giữ lần lượt 54,5 và 29,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 3,5% và 1,9%.
Các nhà đầu tư nước ngoài như IFC, PYN Elite Fund, SBI Holdings tham gia rót vốn vào TPBank ngay từ thời điểm cổ phiếu TPB của ngân hàng chào sàn HOSE năm 2018. Đến nay, kết quả kinh doanh khả quan và chất lượng tài sản được kiểm soát tốt được coi là những yếu tố "giữ chân" nhà đầu tư.
Có thể thấy, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của TPBank luôn giữ mức tăng trưởng hai con số trong 6 năm qua (2017-2022). Trong năm 2022, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 7.828 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 30%.
Mức lợi nhuận này còn đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí. Ngoài ra, sự phục hồi tích cực của các khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh cũng góp phần gia tăng nguồn thu của ngân hàng. Trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn các năm trước.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt gần 11.387 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Các khoản thu nhập ngoài lãi của TPBank cũng tăng mạnh 18,4% lên hơn 4.200 tỷ đồng, phần lớn được hỗ trợ bởi nguồn thu đáng kể từ hoạt động dịch vụ với 2.692 tỷ đồng (tăng 75% so với cùng kỳ).
Cùng với đó, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và hoạt động kinh doanh khác tăng lần lượt 10% và 186% so với năm 2021.
Tăng trưởng tiền gửi đứng đầu hệ thống, nợ xấu ở mức thấp
Trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn về thanh khoản năm 2022, TPBank là ngân hàng có tiền gửi khách hàng tăng nhanh nhất hệ thống với mức tăng trưởng lên đến 40%.
Động lực chính đến từ tăng trưởng khách hàng mới với 3,7 triệu khách hàng mới trong năm cùng với mức nền quy mô huy động thấp hơn tương đối so với các ngân hàng khác, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết trong báo cáo cập nhật mới đây.
Với mức tăng trưởng huy động tốt, đáp ứng các yêu cầu về thanh khoản của hệ thống, TPBank có lợi thế hơn so với nhóm các ngân hàng khác các yếu tố như có dư địa để tăng trưởng tín dụng, không bị chặn bởi các chỉ tiêu về thanh khoản và áp lực tăng lãi suất huy động thấp.
Theo đó, lãi suất huy động tháng 12/2022 với kì hạn 12 tháng trả lãi cuối kỳ của TPBank tăng 1,1% so với tháng 9/2022, là mức tăng thấp thứ hai trong nhóm ngân hàng quan sát và tại thời điểm hiện tại đã giảm 0,1% trong tháng 2/2023.
Tuy nhiên, TPBank vẫn thuộc nhóm ngân hàng có tiền gửi khách hàng chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu huy động so với trung bình hệ thống đạt 72,6%. Ngân hàng có hoạt động huy động vốn tích cực trên thị trường liên ngân hàng với tỷ trọng huy động liên ngân hàng 2022 đạt 25,4%, cao thứ 4 hệ thống sau MSB, Techcombank, VPBank.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2022 của TPBank ở mức 0,84%, nằm trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. Nhờ đẩy mạnh trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã từ mức 1,2-1,3% giai đoạn 2019-2020 về dưới 1% trong năm 2021-2022.
Vào nửa cuối năm 2022, ngân hàng đã giảm tốc độ trích lập dự phòng khi chất lượng tài sản đã về mức tốt và tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã ở ngưỡng tương đối an toàn (135%). Cả năm 2022, chi phí dự phòng của TPBank giảm 37% xuống còn 1.884 tỷ đồng. Riêng trong quý IV, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng giảm đến 80% từ 560 tỷ xuống còn 115 tỷ.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng giảm tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư nợ cuối năm 2022 đạt 21.624 tỷ đồng, giảm 21,6% so với mức đỉnh vào quý I và tương đương 11,8% tổng dư nợ tín dụng. Theo quan điểm của KBSV, TPBank đang có những sự chuẩn bị để kiểm soát chất lượng tài sản trong bối cảnh triển vọng vĩ mô không có nhiều điểm tích cực trong năm 2023.
Sự hỗ trợ của cổ đông lớn - Tập đoàn FPT
Chia sẻ trên trang Bloomberg vào cuối tháng 12, ông Nguyễn Hưng, CEO của TPBank cho biết LiveBank đóng vai trò quan trọng giúp ngân hàng nhanh chóng tái phân bổ nguồn lực cho mô hình kinh doanh mới và tăng lợi nhuận. Ngân hàng đã giảm được khoảng 30% chi phí hoạt động nhờ việc áp dụng các công nghệ hiện đại.
Để TPBank có được lợi thế cạnh tranh lớn này không thể không kể đến sự hỗ trợ của cổ đông lớn là Tập đoàn FPT. Tính đến thời điểm hiện tại, CTCP FPT đang nắm giữ hơn 107 triệu cổ phần, tương đương 6,77% vốn điều lệ ngân hàng. Theo sau đó là CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI nắm giữ hơn 93,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,93%.
FPT cũng là một trong ba cổ đông lớn cùng VMS MobiFone và Vinare thành lập TPBank vào năm 2008. Đây cũng là thời điểm hệ thống ngân hàng Việt Nam rơi vào khủng hoảng khiến hoạt động kinh doanh của TPBank gặp nhiều khó khăn.
KBSV cho biết tính đến năm 2011, TPBank đối mặt với khoản lỗ lũy kế 1.400 tỷ đồng khiến ngân hàng nằm trong danh sách 9 ngân hàng yếu kém cần được tái cơ cấu do Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Năm 2012, TPBank thực hiện tái cấu trúc với sự xuất hiện của nhóm cổ đông DOJI, chào đón hai thành viên HĐQT mới là ông Đỗ Minh Phú (nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI) và ông Đỗ Anh Tú (thành viên sáng lập CTCP Diana Unicharm).
Sau ba năm tái cơ cấu, ngân hàng đã xóa được lỗ lũy kế và bù phần thặng dư âm vốn điều lệ. Hiện tại, quy mô tài sản của TPBank đã nâng từ 13.000 tỷ đồng năm 2012 lên 328.634 tỷ đồng tính đến cuối năm 2022.
"TPBank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất thực hiện tái cơ cấu thành công trong nhóm 9 ngân hàng cần tái cơ cấu năm 2012," KBSV nhận định.