Khác với những nhà băng có tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài sát ngưỡng 30% mà chúng tôi đã đề cập trước đó (ACB, MSB, TPBank), câu chuyện room ngoại của Sacombank từng khá rình rang trên các kênh thông tin khi ngân hàng "bất ngờ" về việc room được nới lên 30% từ khi nào không rõ.
Sacombank khẳng định từ thời điểm 19/9/2016 khi VSD ra thông báo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu STB là 23,64% (thời điểm niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam), ngân hàng này chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Tranh cãi về việc đúng sai khi nới room cho cổ phiếu STB là một phần nan giải khi khó có hướng giải quyết, chưa có tiền lệ.
Tổng Giám đốc Sacombank cho rằng việc room ngoại là 23,64% hay 30% có tác động khá lớn đến ngân hàng. Bởi nếu là 23,64%, Sacombank sẽ có cơ hội lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài phù hợp để làm cổ đông chiến lược. Còn nếu VSD đã "nới" lên 30%, bán cổ phiếu STB cho nhà đầu tư nhỏ lẻ thì cơ hội này không còn nữa.
Tạm gác vấn đề tranh cãi này sang một bên, ở một góc độ lạc quan hơn, việc room ngoại tại Sacombank tăng lên sát mức trần 30% và sự giao dịch sôi động của khối ngoại trong thời gian qua cho thấy cổ phiếu STB đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các NĐT nước ngoài.
Điều đó được lý giải phần nào khi Sacombank đang có sự vươn mình rõ nét từ một ngân hàng sa sút sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam năm 2015 trở thành một điểm sáng về tái cơ cấu ngân hàng trong những năm gần đây.
Sớm hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2023
Sau 5 năm tái cơ cấu, số nợ xấu và tài sản tồn đọng mà Sacombank thu hồi được đã lên tới 76.000 tỷ đồng. Mới đây nhất, ngân hàng cho biết đã hoàn thành chỉ tiêu quan trọng trong đề án tái cơ cấu, xử lý xong 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được đưa về 1,27%.
Tới cuối năm 2022, số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 24,9% so với năm trước còn 4.299 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu về 0,98%. Ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến Sacombank sẽ hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2023 thay vì đến năm 2025 như Đề án cho phép.
Sacombank đặt mục tiêu có thể xử lý dứt điểm VAMC thông qua bán đấu giá 18 khoản nợ được đảm bảo bằng KCN Phong Phú (dư nợ gốc và lãi là khoảng 16.000 tỷ đồng) và 32,5% cổ phần STB đang được thế chấp tại VAMC ngay trong năm 2023.
Số cổ phần đấu giá nói trên dự kiến sẽ được rao bán cho đối tác trong nước và nước ngoài trong năm 2023. Giá trị khoản nợ này là khoảng 10.000 tỷ đồng tương ứng mức giá chào bán là khoảng 18.000-19.000 đồng/cp,tương đương P/B forward khoảng 0,7.
Nếu xử lý thành công được hết nợ tại VAMC ngân hàng sẽ giảm được đáng kể chi phí dự phòng. Trước đó, chi phí dự phòng rủi ro thường chiếm từ 35-47% lợi nhuận trước dự phòng trong đó dự phòng cho trái phiếu VAMC thường chiếm trên 50% tổng chi phí dự phòng rủi ro.
Các chuyên gia cho rằng mức định giá của Sacombank có thể sẽ tốt hơn sau khi hoàn thành Đề án tái cấu trúc, xử lý xong nợ xấu như những gì đã xảy ra với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Sacombank và ACB, tuy có nhiều điểm tương đồng về quy mô tài sản, vốn chủ và cơ cấu khách hàng nhưng có sự chênh lệch lớn về lợi nhuận. Trong khi ACB ghi nhận lãi hơn 17.100 tỷ đồng sau thuế trong năm 2022 thì Sacombank chỉ ở mức hơn 6.300 tỷ đồng.
Cho vay cá nhân chiếm tỷ trọng lớn, hầu như không giữ trái phiếu doanh nghiệp
Đi sâu hơn vào bức tranh hoạt động của ngân hàng, thu nhập từ hoạt động tín dụng vẫn là nguồn thu đóng vai trò chủ đạo của Sacombank. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần luôn chiếm từ 65% - 68% trong tổng thu nhập hoạt động trong 5 năm trở lại đây (2018 - 2022).
Sacombank là ngân hàng đứng thứ ba về tỷ lệ cho vay bán lẻ trong ngành ngân hàng, chỉ đứng sau VIB và ACB.Tỷ trọng cho vay bán lẻ đã tăng mạnh trong giai đoạn trước 2017 và chững lại sau đó, duy trì ổn định quanh mức 59 - 62%.Khối khách hàng cá nhân thường đóng góp tới 74% tổng thu nhập toàn ngân hàng.
Trong khi đó, mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp lại ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, thường chiếm tỷ trọng khoảng 35 - 40%. Thu nhập mảng này đóng góp khoảng 26% tổng thu nhập của ngân hàng trong năm 2021.
Giai đoạn trước năm 2016, hoạt động cho vay của Sacombank tập trung vào vào mảng kinh doanh tài sản và tư vấn (hoạt động này còn được coi như kinh doanh bất động sản) và xây dựng.Tính đến cuối 2016 tỷ trọng hai mảng này chiếm tới 37% cơ cấu cho vay.
Tuy nhiên, sau khi NHNN ban hành Thông tư 19 nâng tỷ lệ rủi ro cho vay kinh doanh bất động sản lên 200% và giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 45%, Sacombank đã chủ động cắt giảm tỷ trọng cho vay của hai ngành nghề trên nhằm giảm thiểu rủi ro và chuyển dịch dần sang cho vay cá nhân mua, sửa chữa nhà. Tỷ trọng kinh doanh bất động sản và xây dựng tính đến cuối 2021 chỉ còn khoảng 8% trên tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, Sacombank rất thận trọng trong việc đầu tư công cụ nợ khi danh mục chứng khoán đầu tư của ngân hàng chỉ bao gồm trái phiếu chính phủ và hầu như không có trái phiếu doanh nghiệp. Tỷ trọng danh mục trái phiếu đầu tư thường chỉ chiếm khoảng 13% tổng tài sản sinh lãi.
Nhờ đó nguồn thu từ lãi của ngân hàng ít chịu ảnh hưởng của việc NHNN siết chặt hoạt động đầu tư trái phiếu tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ liên tục tăng như hiện nay thì ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với việc suy giảm danh mục trái phiếu đang nắm giữ.
Con số lỗ dự kiến này chỉ nằm trong danh sách rủi ro tiềm ẩn vàchỉ xuất hiện trên báo cáo nội bộ. Nó chỉ được ghi nhận vàolỗ từ mua bán chứng khoán đầu tư khi ngân hàng xử lý danh mục trái phiếu bị giảm giá đó.
CASA tăng trưởng đều qua các năm
Nguồn vốn huy động của Sacombank đến chủ yếu từ tiền gửi khách hàng (phần lớn là khách hàng cá nhân), thường chiếm tỷ trọng trên 90%. Huy động từ thị trường 2 và giấy tờ có giá dù đã được cải thiện nhưng vẫn rất khiêm tốn.
Trong hai năm đại dịch, tiền gửi khách hàng tăng trưởng chậm lại khiến ngân hàng bắt buộc phải mở rộng huy động vốn từ thị trường 2 (liên ngân hàng) và từ giấy tờ có giá, tăng trưởng lần lượt ở mức 93,3% và 89,4% trong 2021 (so với năm trước).
Trong khi đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn lạiduy trì tốc độ tăng trưởng khả quan (19% trong hai năm 2020 - 2021).Tỷ lệ CASA của Sacombank tăng từ 13% năm 2015 lên 22,6% vào cuối 2021 (đứng thứ 5 toàn ngành), sau đó giảm về 19% vào cuối năm 2022.
Việc sụt giảm CASA trong năm 2022 là đi theo xu hướng chung của các ngân hàng khi lãi suất huy động tăng cao nhất là vào các tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán, ưu thế về hệ thống thanh toán quốc tế toàn diện và sự phát triển mạnh về thị phần doanh số thẻ quốc tế sẽ là lợi thế để Sacombank có thể tiếp tục mở rộng CASA trong thời gian tới.