Theo nếp sống hiện đại, Tết đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Mặc dù sự thay đổi này hoàn toàn phù hợp với nhịp sống nhanh và xu thế hòa nhập thời đại mới, nhưng nó cũng khiến người ta không khỏi tiếc nuối, hoài niệm. Sự hào hoa, hiện đại của Tết nay dường như đã mang đi ít nhiều hình ảnh, hương vị về các món ăn, thức uống mỗi dịp Tết xưa, để chúng giờ đây chỉ còn là ký ức trong nhiều thế hệ con người Việt Nam.
Kẹo thèo lèo
Người Việt quan niệm mỗi căn bếp trong nhà đều được cai quản bởi ba vị Táo quân, nên cứ đúng vào ngày tiễn ông Công ông Táo, ngoài các món ăn mặn, người miền Nam sẽ chuẩn bị thêm món kẹo thèo lèo để cúng tiễn, mong sao các vị thần sẽ tâu với Ngọc Hoàng những lời ngọt ngào, tốt đẹp về gia chủ trong năm qua. Và rồi không biết tự bao giờ, kẹo thèo lèo đã trở thành món ăn không thể thiếu trong trên mâm cỗ cúng ông Táo của người miền Nam nói riêng và dịp Tết cổ truyền nói chung. Với thành phần chính làm từ mạch nha, đường trắng, hòa cùng hạt đậu phộng béo bùi và tạo khối hình chữ nhật bắt mắt, kẹo thèo lèo hấp dẫn người ta bởi cái vị ngọt ngào, giòn tan ngon khó cưỡng. Tuy nhiên, xu hướng “ăn sạch - sống khỏe” lên ngôi hiện nay khiến nhiều gia đình chủ trương chỉ các món ăn có thành phần từ các loại hạt Organic, vitamin, protein, ngũ cốc, bột rau củ, khoáng chất, trái cây... Điều khiến kẹo thèo lèo cũng dần không còn thịnh hành và nhiều như trước.
Ảnh: @eatwithus.jk, lazada
Bánh in
Bánh in là một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường... Mặt đáy của bánh có khắc các hình chữ Thọ, Phúc, Lộc và được ép, đúc thành khuôn, gói trong giấy ngũ sắc trông vô cùng đẹp mắt. Ngày trước, loại bánh này rất thường được bày cúng trên bàn thờ và dùng để đãi khách mỗi dịp Tết một mặt vì hình dáng nhỏ gọn dễ ăn, vị ngọt thanh tao bắt miệng, lại được làm từ các nguyên liệu giá rẻ, an toàn. Mặt khác, người ta còn bị hấp dẫn bởi xuất thân “hoàng gia” với tương truyền rằng bánh in là một món ăn dâng Vua thưởng trà dịp Tết.
Tuy nhiên, với hàm lượng calorie cùng thành phần nguyên liệu của mình, bánh in là món bánh rất hại cho sức khỏe. Đặc biệt là đối với bệnh nhân tiểu đường, tim mạch, béo phì. Có lẽ cũng vì thế mà những năm gần đây, người ta rất hiếm khi thấy bánh in xuất hiện dịp Tết. Để nâng cao sức khỏe gia đình cũng như khách đến chúc Tết, bánh in dần dần bị gia chủ lược bỏ đi khỏi mâm bánh Tết truyền thống và thay thế bằng các loại hạt nhẹ nhàng, có lợi cho sức khỏe hơn, cùng các loại bánh có bao bì bắt mắt hợp thời hơn.
Ảnh: Ngọc Hoa, @vuoon.vuoon, amthucquynhon
Bánh cốm
Tết đối với nhiều đứa trẻ không chỉ là nồi thịt kho tàu, bộ quần áo mới, phong bao lì xì, mà nó còn là mùi cốm vàng ngào ngạt. Cứ mỗi độ Tết về, cả nhà lại cùng nhau quây quần làm cốm. Quá trình làm cốm rất công phu, tuy cực nhưng vui và thành quả nhận được thì khiến ai nấy cũng đều tấm tắc khen. Viên cốm sau khi ép xong thì vuông vức, cầm chắc tay, trông rất đẹp mắt. Bánh cốm gây thương nhớ bởi cái vị ngọt thanh của đường cát hòa cùng nước dừa béo bùi, có khi là sữa, điểm xuyết bằng chút cay nồng của gừng tươi. Khi cắn sẽ có cảm giác giòn ngọt lúc đầu sau đó mềm tan ra trong khoang miệng khiến người ta ăn rồi lại muốn ăn mãi.
Sau này, phần vì quá trình làm bánh khá cực, phần vì những thứ bánh kẹo ngoại quốc hấp dẫn đóng gói tiện lợi được bán ở khắp nơi, bao bì thu hút, nên cũng ít nhà nào còn duy trì làm bánh cốm ngày Tết nữa. Do đó, hình ảnh món bánh cốm “tuổi thơ” cũng mai một đi và dần bị lãng quên trên mâm bánh mứt ngày Tết.
Ảnh: Phương Minh, phanthietvn
Bánh thuẫn
Bánh thuẫn là một loại bánh nướng có xuất xứ miền Trung. Sau này, khi vào Nam lập nghiệp, người dân miền Trung mang cả các nét văn hóa đặc trưng của mình vào theo, đặc biệt là ẩm thực, trong đó có bánh thuẫn. Thế là dần dà, bánh thuẫn trở thành loại bánh thường dùng để cúng tổ tiên mỗi dịp lễ Tết ở hai miền Trung, Nam. Tùy theo từng vùng miền mà bánh thuẫn sẽ có kích thước và màu sắc khác nhau, nhưng tựu trung, cái hương thơm thoang thoảng mùi hột gà, cốt bánh mềm xốp của bánh thuẫn thì ngon không thể cưỡng lại.
Ngày nay, vừa để tiết kiệm thời gian, vừa để đơn giản hóa mâm cúng sao cho phù hợp với xu thế hiện đại nên đa phần mọi người mua các loại bánh hộp làm sẵn. Thế nên nhiều loại bánh ngọt thường thấy mỗi khi cúng kiến ông bà dịp Tết cũng không còn xuất hiện nữa, và bánh thuẫn cũng không ngoại lệ. Hình ảnh cả gia đình ngồi canh lửa bên nồi bánh thuẫn, nghe mùi bánh nở và chuyện trò rôm rả cùng nhau dường như đã biến mất trong sự tiếc nuối, hoài niệm của nhiều thế hệ gia đình Việt.
Ảnh: hiquynhon, Lê Trung, beptruong.edu
Sá xị Chương Dương
Sá xị Chương Dương là loại nước ngọt "tuổi thơ" không thể thiếu trong các dịp quan trọng của hầu hết gia đình miền Nam ngày trước, nhất là mỗi độ Tết đến xuân về. Nó hấp dẫn không chỉ các bạn nhỏ mà còn cả người lớn bởi cái vị ngọt ngào, thơm thơm mùi xá xị và cay nồng nơi sống mũi mỗi khi uống. Hồi đó, nước ngọt không thịnh như bây giờ, nên bọn trẻ con cứ mong sao tới Tết trước là để được ăn món thịt kho tàu má nấu, sau là để được uống những ngụm nước ngọt thơm ngon.
Nhờ vị sá xị đặc trưng rất riêng, nên nước ngọt Chương Dương được phần lớn người dân đón nhận rất nhiệt tình những năm cuối thập niên 90. Tuy nhiên, sau khi đất nước mở cửa hội nhập, sá xị Chương Dương đã phải chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường trước sự áp đảo của muôn vàn các thương hiệu nước ngọt ngoại thu hút hơn như Coca Cola hay Pepsi... Cuối cùng, sá xị Chương Dương dần lép vế và bị thay thế bởi những thương hiệu nước ngọt ngoại quốc, ít xuất hiện dần trong Tết nay.
Ảnh: @duaphepbunbo