Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, trước mỗi công trình đã hoặc sắp xây dựng thì nên nhìn bằng "con mắt phòng và cứu hỏa". Nghĩa là nơi đó xe cứu hỏa có thể tiếp cận được hay không, cháy nổ xảy ra thì lối thoát hiểm thế nào.
Chủ động cứu mình
TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng yếu tố đầu tiên người phê duyệt công trình cần lưu ý là xe cứu hỏa đi vào đường nào, làm gì để các thiết bị cứu hỏa có thể dễ dàng tiếp cận những công trình ấy.
Một căn nhà được xây lên nhưng hai bên là 2 nhà khác ép sát nên nếu gặp sự cố, khả năng thoát không có trừ lối duy nhất ở cầu thang. Theo nguyên tắc vật lý, khi xảy ra cháy, khói và lửa bốc từ dưới lên, người ở tầng cao sẽ rất nguy hiểm. Do vậy, nếu phương tiện và thiết bị chữa cháy nhanh chóng tới thì thiệt hại chắc chắn giảm thiểu.
Một nhà trọ cao tầng ở phường 13, quận Tân Bình chỉ có một lối ra vào
"Ở TP HCM, Hà Nội hay bất cứ đô thị lớn nào, không phải vì cháy nhà cao tầng mà cấm xây nhà cao tầng. Vấn đề là xây nhà cao tầng như thế nào, ở đâu, được cho phép ra sao chứ không phải tùy tiện "nhét" trong các góc kẹt, hẻm sâu" - TS Nguyễn Hữu Nguyên nói. Ông nhấn mạnh ngoài địa hình, cách bố trí thoát hiểm thì kỹ năng phản ứng trước đám cháy của người dân cần tốt hơn nữa.
KTS Nguyễn Đình Hòa, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TP HCM, nhận xét các chung cư, nhà trọ cao tầng ở TP HCM bị một vấn đề khó là khi xin giấy phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ. Giấy phép không phải căn hộ dịch vụ nhưng trong quá trình đưa vào vận hành thì cấp thêm một "giấy phép con" là giấy phép đăng ký kinh doanh.
Nếu đó là cấp phép kinh doanh căn hộ dịch vụ, chia ra nhiều phòng cho thuê thì sẽ khó đạt chuẩn vì ngoài cầu thang chính thì cần thêm một thang bộ phụ. Chưa kể, các nhà ở có diện tích không quá lớn thì mật độ xây dựng chừa lại ít nên cũng khó để buộc các hộ kinh doanh xây thêm. Vì vậy, để chủ động về sự an toàn, cần có bình chữa cháy đặt ở hành lang các căn hộ. Chủ cho thuê cũng phải nhắc nhở, đưa ra quy định về an toàn PCCC đối với người thuê…
Trách nhiệm không của riêng ai
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC07, Công an TP HCM), loại hình nhà trọ, chung cư... có nhiều nguy cơ phát sinh cháy nổ. Nếu chúng nằm trong các hẻm sâu, hẹp, cách xa nguồn nước, bên trong thì chật chội bởi hàng hóa, vật dụng, xe máy thì khó xử lý khi xảy ra sự cố. Nhiều nơi đa phần thuê ở là người lao động, công nhân, sinh viên. Họ sống trong phòng diện tích nhỏ, việc ăn, ngủ, sinh hoạt, nấu nướng trong không gian hẹp nên nguy cơ càng cao.
“Hộp diêm” trong nhà trọ cao tầng đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, TP HCM
PC07 khuyến cáo ban quản lý chung cư, chủ nhà trọ thực hiện nghiêm các quy định về PCCC khi xây dựng và kinh doanh; định kỳ kiểm tra các phương tiện PCCC và cứu nạn cứu hộ đã trang bị và bảo đảm hoạt động hiệu quả; kịp thời thay thế, khắc phục những nguy cơ mất an toàn về điện có thể gây cháy, nổ. Ngoài ra, quy định chặt chẽ việc nấu nướng, thờ cúng, đốt vàng mã, sạc điện đối với xe đạp, xe máy điện, thiết bị tiêu thụ điện; bảo đảm có lối thoát an toàn và dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân, người trọ. Không lắp đặt "chuồng cọp" bít lối thoát nạn, lối thoát không bị chặn hoặc bị cản trở bởi vật dụng, đồ đạc.
Với cư dân, người thuê trọ, theo PC07, bên cạnh việc không đốt nhang, nến khi đi ngủ, thường xuyên kiểm tra hệ thống gas, nguồn lửa, nguồn nhiệt lúc đun nấu…, nên phản ánh kịp thời đến quản lý chung cư, chủ nhà trọ về những dấu hiệu mất an toàn PCCC.
Nhiều tín hiệu tốt
Liên quan phản ánh của Báo Người Lao Động về sự bất an của người dân trong các nhà trọ cao tầng, chung cư cũ hoặc chung cư chưa được nghiệm thu PCCC, ngày 29-9, nhiều địa phương đã có phản hồi.
Ông Phạm Văn Tồn - Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh - khẳng định sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn PCCC trên địa bàn phường, thậm chí buộc tháo dỡ. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh tuân thủ, bảo đảm quy định an toàn về PCCC.
Về chung cư La Bonita vi phạm an toàn PCCC, phường 25 đã có báo cáo gửi đến UBND quận Bình Thạnh. Theo ông Phạm Văn Tồn, chung cư chưa đủ điều kiện để nghiệm thu PCCC nhưng thực tế người dân đã vào ở. Qua tiếp nhận ý kiến người dân, UBND phường thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở cư dân về công tác PCCC, cư trú… 42/56 hộ dân đã bầu ra ban đại diện tạm thời của người dân để bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ.
"Ở góc độ UBND phường thì không thể ký quyết định liên quan đến chung cư... Chúng tôi đã làm hết sức để thông báo công nhận cuộc họp bầu ra ban đại điện tạm thời của người dân" - ông Tồn cho biết.
Ông Trần Quang Huy - Chủ tịch UBND phường 7, quận Bình Thạnh - cũng thông tin hiện có 49 hộ ngăn phòng cho thuê trên địa bàn phường. Thời gian qua, UBND phường thường xuyên tuyên truyền an toàn PCCC đến người dân thông qua các nền tảng mạng xã hội, sắp tới sẽ triển khai trực tiếp đến từng hộ dân. UBND phường 7 cũng phối hợp với lực lượng công an, công ty điện lực, cảnh sát PCCC để kiểm tra và tái kiểm tra, nếu vi phạm thì sẽ mạnh tay trong xử phạt. "Trong công tác kiểm tra, chúng tôi kiên quyết sai đến đâu thì xử lý đến đó và tuyên truyền để người dân hiểu" - ông Huy nói.
Còn tại phường 13, quận Tân Bình, ông Nguyễn Khắc Nguyên, Chủ tịch UBND phường 13, khẳng định UBND phường đã phối hợp với các đơn vị để triển khai an toàn PCCC xuống từng hộ dân. "Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân để thực hiện nghiêm các quy định về PCCC. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của các công ty điện để kiểm tra về mạng lưới điện, nếu chưa bảo đảm thì giúp khắc phục, nếu nhắc nhở mà cố tình vi phạm thì lập văn bản" - ông Nguyễn Khắc Nguyên khẳng định.
Báo cháy bằng kẻng Cuối tháng 9, chúng tôi tìm đến cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh. Hình ảnh ấn tượng đầu tiên ở cư xá được xây hơn nửa thế kỷ trước là dày đặc "chuồng cọp" thò ra trên mỗi căn hộ. Cư xá có 23 lô nằm trên diện tích 36 ha, là nơi sinh sống của hàng ngàn cư dân. Trong những cuộc trò chuyện, người dân ở đây cho biết đã bỏ ra hàng chục triệu đồng làm thêm lồng sắt ở ban công để chống trộm và ngăn trẻ con té ngã. Họ kể dù biết khi cháy nổ sẽ nguy hiểm nhưng đành chấp nhận. Cư xá Thanh Đa với vô số “chuồng cọp” nhô ra Theo ghi nhận, hành lang chung cư bị lấn chiếm, bày nhiều đồ đạc, vật dụng như xe máy, chậu cây, bàn, ghế. Hệ thống ánh sáng, thông hơi ở các lô gần như hư hỏng nên không gian luôn ảm đạm. Bó cáp viễn thông, dây điện thì giăng chằng chịt, một số hộ dân tận dụng khoảng trống để kê bếp nấu nướng, việc không có cửa phụ thoát hiểm dẫn đến tình trạng khó thoát nạn khi xảy ra cháy. Bà Nguyễn Thị Hồng (61 tuổi, cư dân cư xá Thanh Đa) cùng gia đình 4 người sống trong căn hộ 54 m2 ở lô G cho hay chung cư này không có hệ thống PCCC hoàn chỉnh, người dân báo cháy bằng tiếng kẻng. "Sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội khiến 56 người thiệt mạng, tôi cảm thấy bất an nên tự trang bị bình chữa cháy" - bà Hồng nói. |