Có thể kể đến 3 cây cầu "đứng hình" nhiều năm, gây bức xúc cho người dân: Tăng Long, Nam Lý (TP Thủ Đức) và Long Kiểng (huyện Nhà Bè). Đây là những cây cầu nằm ở tuyến đường huyết mạch, đông dân cư nhưng dừng thi công nhiều năm liền khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.
Chờ 20 năm và tiếp tục... chờ
Chúng tôi trở lại công trình xây mới cầu Long Kiểng nối liền 2 xã Nhơn Đức và Phước Kiểng của huyện Nhà Bè, vẫn chỉ thấy 7 trụ cầu nằm chơ vơ giữa lòng sông. Mặt bằng 2 bên chân cầu vẫn ngổn ngang, chưa có dấu hiệu di dời, giải tỏa.
Dự án xây mới cầu Long Kiểng được UBND TP HCM phê duyệt từ năm 2001 với chiều dài cầu 318 m, tổng mức đầu tư 557 tỉ đồng. Giai đoạn 1 - năm 2007, giải phóng mặt bằng một số hộ dân; đến tháng 8-2018, cầu Long Kiểng mới được khởi công và dự kiến hoàn thành cuối năm 2019. Thế nhưng, khi xây được mấy trụ cầu thì dự án tạm dừng cho đến nay. Mỗi ngày, hàng ngàn lượt phương tiện từ ôtô đến xe máy phải hồi hộp đi qua cây cầu sắt cũ, nhỏ hẹp, xuống cấp. Chưa kể, vào giờ tan tầm sáng và chiều, đoạn đường 2 bên chân cầu thường xuyên ùn ứ.
Nhìn cây cầu rung bần bật, tiếng sắt va nhau rầm rập ngày đêm, ông Nguyễn Văn Hớn (đã bàn giao mặt bằng cho dự án) bày tỏ: "Công trình dừng nhiều năm nay khiến những hộ dân đã bàn giao mặt bằng như tôi rất thất vọng".
Tương tự, cầu Nam Lý được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tình trạng kẹt xe và thuận tiện cho thuyền bè qua lại trên sông Rạch Chiếc nhưng từ khi khởi công đến nay, chỉ có nửa nhánh cầu thi công dang dở rồi để đó. Suốt 5 năm qua, xung quanh công trình được rào chắn, mặt đường bị thu hẹp, tạo thành nút thắt cổ chai dưới chân cầu khiến khu vực này thường xuyên ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Chị Đặng Thị Hồng Yến - ngụ phường Phước Long B, TP Thủ Đức - cho hay vì đoạn đường bị thu hẹp đáng kể, người đi xe máy phải trộn dòng với xe tải chở vật liệu, xe container nên rất nguy hiểm. "Ám ảnh nhất là buổi sáng chở con đi học và chiều tối lúc tan tầm, tôi phải "bơi" trong dòng phương tiện kéo dài mấy cây số" - chị Yến ngán ngẩm.
Trong khi đó, cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai cũng chung số phận. Cầu này được khởi công từ tháng 12-2017, dự kiến hoàn thành tháng 12-2019 nhưng đến nay vẫn chỉ là những cột bê-tông lơ lửng giữa trời, thi công được 30% khối lượng rồi dừng.
Cầu Long Kiểng ở huyện Nhà Bè vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” sau hơn 20 năm triển khai dự án. Ảnh: THU HỒNG
Tích cực gỡ vướng
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP HCM (TCIP) - chủ đầu tư 3 dự án trên, cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến các cây cầu xây dựng dang dở là do vướng mặt bằng.
Cụ thể, đối với cầu Tăng Long, hiện còn 42 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng, cầu Nam Lý còn 48 trường hợp. Công tác giải phóng mặt bằng chậm là do một số nguyên nhân như: việc thẩm định giá đất bồi thường khó khăn, kéo dài do phải căn cứ các hợp đồng giao dịch thành tại khu vực dự án nhưng hầu như rất ít giao dịch thành. Ngoài ra, giá đền bù chưa phù hợp thực tế nên người dân chưa đồng thuận, phải thẩm định lại nhiều lần. Trong khi đó, nguồn bố trí tái định cư (đất nền, căn hộ) hạn chế, chưa cân đối kịp. Chưa kể, việc thẩm định giá bán đất nền, căn hộ tái định cư cũng kéo dài, người dân không chấp nhận giá đền bù.
Để thúc đẩy tiến độ các cây cầu này, đại diện TCIP cho hay đang tích cực làm việc với UBND huyện Nhà Bè, TP Thủ Đức đẩy nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Đối với cầu Nam Lý, tháng 11-2021, UBND TP HCM đã ban hành quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ tái định cư. UBND TP Thủ Đức đang ban hành quyết định thu hồi đất, lập và phê duyệt phương án bồi thường, dự kiến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.
Đối với cầu Tăng Long, các sở liên quan đang phối hợp để tham mưu cho UBND TP HCM ban hành quyết định về bố trí nền đất tái định cư, dự kiến đầu năm 2023 hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.
Ngay khi có mặt bằng, chủ đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công. Cầu Nam Lý sẽ hoàn thành trong 12 tháng và cầu Tăng Long sẽ hoàn thành trong 15 tháng.
Riêng cầu Long Kiểng, tháng 5-2021, UBND TP HCM phê duyệt đơn giá bồi thường, UBND huyện Nhà Bè lên phương án bồi thường cũng như chính sách tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Từ đầu năm 2022 đến nay, Nhà Bè đang thực hiện chi trả với kinh phí bồi thường 311 tỉ đồng. Hiện vẫn còn 35/130 hộ chưa đồng ý nhận bồi thường, huyện Nhà Bè sẽ vận động, thuyết phục, phấn đấu quý III/2022 bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
"Trước mắt, 13 hộ ở 2 bên mố cầu đang được vận động giao mặt bằng trong tháng 4-2022. Ngay khi có mặt bằng, chúng tôi sẽ khởi động lại công trình, tối đa trong 15 tháng sẽ thi công xong toàn dự án" - ông Lương Minh Phúc khẳng định.
Nhiều dự án "đóng băng" đã khởi sắc Theo ông Lương Minh Phúc, thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng để khởi động lại các dự án dang dở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TCIP cũng như các sở, ngành, địa phương trong năm 2022. Mỗi tuần, các sở, ngành, địa phương và TCIP đều có cuộc họp để cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Hòa Bình. TCIP cùng với địa phương còn vận động, thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng. Nhờ vậy, nhiều dự án "đóng băng" đã khởi sắc. Không chỉ các dự án tại TP Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè mà nhiều dự án ở các quận nội thành như quận 5, 6 cũng có tín hiệu vui. |