Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) từng vướng vào tranh chấp lớn về ưu đãi thuế theo hợp đồng phân chia sản phẩm liên quan đến một mỏ dầu khí ngoài khơi Việt Nam.
Vụ tranh chấp trên của PVN xoay quanh lập luận của các nguyên đơn là họ ngầm định được hưởng một số ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, mặc dù các ưu đãi đó chưa từng được bàn đến trong các vòng đàm phán và cũng không được quy định trong hợp đồng phân chia sản phẩm hay giấy chứng nhận đầu tư có liên quan.
Trong phán quyết trọng tài ban hành ngày 22/5/2015, Hội đồng trọng tài đã bác bỏ toàn bộ các yêu cầu khởi kiện chống lại PVN và buộc các nhà thầu nguyên đơn phải bồi hoàn toàn bộ phần phí trọng tài mà PVN đã ứng trước.
Năm 2014, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama - Mã: LLM) đã thắng kiện Tập đoàn Power Machinery (Liên bang Nga), buộc tập đoàn này và bên liên quan là Ngân hàng Ngoại thương Nga phải thanh toán 4,2 triệu USD.
Sự việc bắt đầu từ năm 2003, Lilama được giao Tổng thầu EPC gói thầu thiết bị công nghệ chính Dự án nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Giá trị hợp đồng EPC gần 300 triệu USD (quy đổi). Để thực hiện hợp đồng này, Lilama thuê lại một số nhà thầu phụ trong và ngoài nước, trong đó có Tập đoàn Power Machinery.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Lilama và Power Machinery có tranh chấp về khối lượng công việc phát sinh. Power Machinery đề nghị Lilama thanh toán một số tiền phát sinh và hỗ trợ khác. Lilama không chấp nhận, tháng 10/2010 Power Machinery đơn phương chấm dứt hợp đồng và khởi kiện Lilama ra TAND TP Hà Nội, đề nghị Tòa buộc Lilama thanh toán tiền và công nhận chấm dứt hợp đồng giữa Lilama và Power Machinery.
Một trường hợp phía Việt Nam thắng kiện diễn ra tháng 3/2019, Hội đồng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore đưa ra phán quyết yêu cầu Jacobs E&C Australia Pty Ltd (công ty con tại Australia của Jacobs Group bồi thường 130 triệu USD cho Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo, thành viên thuộc Masan.
Vụ kiện này liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị giữa Núi Pháo và Jacobs vào năm 2011 phục vụ dự án Núi Pháo (Thái Nguyên).
Cũng trong năm 2019, Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Mã: VSH) cũng đã thoát án phải bồi thường số tiền hơn 2.163 tỷ đồng cho phía đối tác Trung Quốc.
Nguyên nhân vụ việc diễn ra năm 2010, VSH và nhà thầu Trung Quốc ký hợp đồng trị giá hơn 1.936 tỷ đồng xây dựng hạng mục tuyến năng lượng của dự án Thủy điện Thượng Kotum.
Năm 2014, nhà thầu Trung Quốc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mới hoàn thành khoảng 25% khối lượng công việc. Hai bên không thống nhất được phương án giải quyết hợp đồng nên nhà thầu khởi kiện ra VIAC, đòi VSH thanh toán chi phí thực tế thi công, tiền phạt hợp đồng và các chi phí khác số tiền hơn 2.300 tỷ đồng.
Đến năm 2019, Hội đồng trọng tài ra phán quyết yêu cầu công ty này phải bồi thường hơn 2.163 tỷ đồng cho nhà thầu Trung Quốc. Không đồng ý với quyết định này, VSH sau đó đã nộp hồ sơ lên Tòa án Hà Nội và cũng gửi đơn kiện lên VIAC yêu cầu nhà thầu Trung Quốc bồi thường gần 2.000 tỷ đồng.
Tháng 11/2019, TAND TP Hà Nội có quyết định về việc hủy hoàn toàn phán quyết trọng tài ngày 10/4/2019 của Hội đồng Trọng tài buộc VSH phải bồi thường số tiền hơn 2.163 tỷ đồng cho nhà thầu Trung Quốc tại dự án Thủy điện Thượng Kon Tum.