Doanh nghiệp

Những doanh nghiệp nói không với nợ vay trên sàn chứng khoán

Trong kinh doanh, vay nợ được coi là một đòn bẩy giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và tối ưu tỷ suất sinh lời. Mỗi doanh nghiệp ở ngành nghề khác nhau sẽ có một cơ cấu vốn tối ưu cân bằng được rủi ro và lợi nhuận nhằm tối đa hoá giá trị cho cổ đông.

Hết thời kỳ "tiền rẻ", câu chuyện chi phí lãi vay đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp. Lãi suất tăng cao thời gian qua đã trở thành "con dao hai lưỡi" bào mòn lợi nhuận của nhiều công ty khi nguồn thu nhiều lĩnh vực đồng loạt giảm sút trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu.

Thời gian qua, tiếng kêu cứu của doanh nghiệp lan từ ngành bất động sản cho đến sản xuất, kinh doanh, từ hàng không, du lịch cho đến dịch vụ. Hàng loạt kiến nghị của các hiệp hội, ban ngành và doanh nghiệp xin giãn nợ, giảm lãi suất.

Trái ngược với nhiều doanh nghiệp lựa chọn sử dụng đòn bẩy tài chính thì trên sàn chứng khoán vẫn có nhiều công ty nói không với nợ vay.

Theo thống kê từ Wichart, trong khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCoM) có gần 19% đơn vị trong số đó ghi nhận không có nợ vay tại thời điểm cuối quý I/2023.

Tính riêng sàn HOSE có khoảng 44 công ty không sử dụng đòn bẩy tài chính. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC), Cao su Đồng Phú (Mã: DPR), CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco - Mã: VOS), Traphaco (Mã: TRA), Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn (Mã: SCS),...

PPC đã không sử dụng đòn bẩy tài chính kể từ năm 2020 còn SCS nói không với vay nợ từ năm 2018.

Vosco từng là doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay chiếm trên 50% tổng nguồn vốn trong nhiều năm song công ty có xu hướng giảm sự phụ thuộc vào vay nợ từ giữa năm 2021. Kể từ quý IV/2022, doanh nghiệp đã không vay nợ.

Dù không vay nợ nhưng một số doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ hàng không như SCS, NCT vẫn ghi nhận ROE và ROA (TTM - 12 tháng liên tiếp) ở mức cao dù quy mô tài sản nhỏ. Đây cũng là nhóm thường có biên lợi nhuận rất cao. 

Hay CTCP Công viên nước Đầm Sen (Mã: DSN) ghi nhận ROE (TTM) ở mức 60% và ROA (TTM) đạt 49% trong khi quy mô tổng sản đạt 294 tỷ đồng tại ngày 31/3.

 

TTM - Trailing 12 Months là một thuật ngữ chỉ 12 tháng liên tiếp tính tới hết quý I/2023, các chỉ tiêu tài chính tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đều tính tại ngày 31/3/2023. (Nguồn: Tổng hợp từ Wichart).

Còn trên sàn HNX có khoảng 71 công ty không sử dụng đòn bẩy tài chính tại thời điểm cuối quý I/2023. CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (Mã: NDN) là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản, có quy mô tài sản lớn nhất trên HNX không sử dụng nợ vay.

Hơn nửa tài sản của Nhà Đà Nẵng chủ yếu nằm ở các khoản tiền gửi và chứng khoán kinh doanh. Công ty nói không với vay nợ từ đầu năm 2021, các quý trước đó dù có vay nợ song đều là khoản ngắn hạn với mức vay rất thấp.

Top 15 doanh nghiệp lớn nhất trên HNX không sử dụng đòn bẩy tài chính tại ngày 31/3. (Nguồn: Tổng hợp từ Wichart).

Trên UPCoM có khoảng 60 công ty có quy mô tài sản trên trăm tỷ không sử dụng nợ vay (theo dữ liệu Wichart tính tới cuối quý I). Trong đó hai doanh nghiệp lớn nhất đều là công ty con của Vinamilk (Mã: VNM) gồm Mộc Châu Milk (Mã: MCM) và Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Mã: VLC).

Cả Mộc Châu Milk và VLC thường không sử dụng đòn bẩy, một số quý hai công ty này có phát sinh nợ vay nhưng quy mô rất nhỏ và thường là ngắn hạn.

Top 15 doanh nghiệp lớn nhất trên UPCoM không sử dụng đòn bẩy tài chính tại ngày 31/3. (Nguồn: Tổng hợp từ Wichart).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm