"Năm nay kinh tế khó khăn, nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì, tự trích tiền túi khoảng ba triệu đồng mua nhu yếu phẩm làm quà Tết cho tụi nhỏ", Lê Tuấn Giãn, 80 tuổi, ở hẻm 147 Lê Đình Cẩn nói.
Sáng ngày cuối năm, lão chạy chiếc xe cub cũ ra siêu thị chọn quà Tết. Sau khi nhờ nhân viên bán hàng hỗ trợ chở quà về tận nhà, một mình ông phân chia thành 15 túi, trị giá 200.000 đồng mỗi túi để hôm sau tặng cho 15 phòng trọ.
"Cả một năm họ cũng vất vả nhiều rồi, tôi là người cho thuê cũng có một chút quà gửi mọi người ăn Tết, không nhiều nhưng gọi là chút tình giữa người với người", ông lão gốc Quảng Ngãi chia sẻ.
Anh Lê Văn Trang, quê Sóc Trăng, công nhân ở công ty PouYuen, sống tại khu trọ của ông Tư đã bốn cái Tết cho hay, năm đầu tiên mới chuyển tới mấy tháng cũng được nhận quà. Mấy năm dịch vừa rồi, ông Tư còn không lấy tiền trọ và cho tiền thêm.
"Năm nào tôi cũng cầm quà này đem về quê, tuy không nhiều nhưng mình thấy vui, đâu phải chủ trọ nào cũng làm được vậy", anh Trang nói.
Năm ngoái, vì thương người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid nên ngoài miễn hoặc giảm giá phòng, ông còn tặng thêm nhu yếu phẩm và tiền mặt. Đến bây giờ, nhiều người thuê trọ vẫn kể chuyện sáng ngày 12/12 năm ngoái, ông cùng con gái cầm cọc tiền 120 triệu đồng đi tặng cho khoảng 400 người. "Không chỉ người thuê phòng mà cả khu phố, ai khó khăn ông Tư đều tặng tiền, mỗi người 300 nghìn đồng", anh công nhân quê Sóc Trăng kể.
Ông Tư Giãn kể, thấy mọi người cười tươi khi chở phần quà sau xe về quê ăn Tết, ông không giấu được hạnh phúc. "Với tôi, được giúp người, được cho đi là niềm vui lớn nhất lúc này. Bất kể khi nào có điều kiện, tôi vẫn duy trì", ông nói.
Cách nhà ông Tư Giãn hơn 30 km, những ngày cuối năm ở khu trọ bà Nguyễn Tuyết Anh ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức cùng đang rộn ràng quanh nồi cháo gà. "Hai năm dịch không tổ chức tất niên, năm nay, khu trọ tôi mỗi người góp một món chung vui trước khi về quê đón Tết", bà chủ trọ hơn 17 năm mang vị Tết đến cho những người con xa quê, nói.
Khu trọ của bà Anh có gần 100 nhân khẩu, ở trọ nhiều năm nay. Hai năm dịch, công việc không ổn định nên nhiều gia đình bàn tính về quê tránh dịch, bà nghe được nên động viên mọi người ở lại vì đường xá xa xôi, có nhiều nguy hiểm. Nhà nào khó khăn bà miễn tiền thuê phòng, tiền trọ thu không đủ bà lấy lương hưu của mình để mua lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho người thuê.
Tết năm nay, bà Tuyết Anh chi 10 triệu đồng để lì xì cho 20 phòng trọ. "Mua quà thì có người thích, người không, tôi chọn lì xì để tụi nhỏ muốn mua gì mua. Ở nhà tôi có làm bánh nên tiện tặng thêm cho các phòng làm quà Tết, ăn lấy thảo", bà Tuyết Anh nói.
Những ai không về quê đón Tết, bà Tuyết Anh đặt thêm bánh tét, mì gói, tự nấu một số món ăn ngày Tết chia cho mọi người. "Tôi không có con cái, nên xem mấy đứa ở trọ như con, mình ăn gì thì chia sẻ cho cái đó, ăn không bao nhiêu đâu, Tết vui là chính", vị chủ trọ chia sẻ.
Cứ mỗi dịp cận Tết, vợ chồng ông Nguyễn Thành Tâm (57 tuổi) lại chi hơn trăm triệu đồng, tổ chức tiệc tất niên và tặng quà Tết cho toàn bộ người thuê nhà trong khu trọ của gia đình.
Đây là năm thứ 17 vợ chồng ông Tâm tổ chức tiệc. Năm nay, tiệc được tổ chức hôm 7/1, sớm hơn vì để tất cả mọi người đều được dự. "Năm nào tôi cũng làm buổi họp mặt cuối năm tại nhà, chỉ năm 2020 vì dịch Covid phải hủy chương trình nhưng tôi vẫn tặng quà Tết cho bà con vui xuân", ông chủ trọ nói.
30 năm trước, ông Tâm từ Bình Định vào Sài Gòn lập nghiệp. Từng làm công nhân đi ở trọ nên ông hiểu tâm tư của người xa quê mỗi dịp Tết là mong mỏi một bữa cơm gia đình. Vì thế, vợ chồng ông tự bỏ tiền túi, mỗi năm tổ chức tất niên cho người ở trọ, nhất là công nhân không có điều kiện về quê đón Tết được ấm lòng.
Theo thông lệ, trước ngày dự định tổ chức tiệc một tuần, vợ chồng ông đến từng phòng trọ mời và xác nhận số lượng người tham dự để lên kế hoạch. Trước tiệc hai hôm, bà Sen (vợ ông Tâm) cùng nhóm chị em phụ trách nấu nướng ngồi bàn với nhau lên thực đơn. Năm nay, vợ chồng ông Tâm nuôi hơn 30 con gà sau vườn, đặt thêm nem chả lụa, bánh hỏi từ quê nhà Bình Định mang vào Sài Gòn để làm tiệc. "Các món đều tự tay mọi người ở khu trọ nấu, chủ yếu là niềm vui khi cùng nhau làm nên bữa tiệc", bà Sen vừa cắt chả vừa nói.
Ông Nguyễn Xuân Thụ, trưởng phòng Hỗ trợ đời sống, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP HCM cho biết, trong 46 khu lưu trú văn hóa, ông Tâm là vị chủ trọ gần gũi với người lao động nhất. "Bữa tiệc hôm nay không còn mang tính giữa người chủ với người thuê mà đó là gia đình. Mọi người cùng ngồi lại nâng ly chúc mừng đón chào năm mới, ai cũng nở nụ cười mặc dù năm vừa qua vô cùng khó khăn. Đó là điều tôi thấy rất ấm áp khi đến đây", ông chia sẻ.
Năm thứ 16 ăn tất niên ở khu trọ này, ông Phạm Viết Nghĩa, 64 tuổi, quê Bình Định cho hay những năm gần đây, tiệc tất niên càng đông hơn, nhiều người thường ngày ít gặp nhau nhưng nhờ có bữa tiệc mới có cơ hội trò chuyện nhiều hơn, cởi mở với nhau. "Cuối năm, không chỉ tổ chức tất niên, anh Tâm còn trao quà với bao lì xì cho người ở trọ", ông Nghĩa nói.
40 phòng trọ ông Tâm xây dựng từ năm 2005 nay đã tăng lên 152 phòng với khoảng 410 người ở, chủ yếu là các cặp vợ chồng, gia đình công nhân, người lao động. Mỗi phòng có diện tích khoảng 27-28 m2 (có gác), mức giá từ khoảng 1,5-1,7 triệu đồng mỗi tháng. Có những người đã ở đây 17 năm, vẫn sẵn lòng ở lại vì sự hào hiệp của ông chủ trọ.
Đến nay vẫn còn nợ ngân hàng sau khi xây trọ, hàng năm ông Tâm vẫn chi hơn một trăm triệu đồng tổ chức tiệc tất niên cho bà con công nhân mỗi dịp Tết đến. Ngoài được ăn tất niên, người thuê trọ còn được nhận một phần quà gồm nước ngọt, nước mắm, hạt nêm...
Số liệu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9-11/2022, hơn 631.300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 570.000 người bị giảm giờ làm, hơn 34.500 bị cắt giảm và trên 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng.
Chính vì thế, sự hỗ trợ kịp thời của những chủ trọ tại TP HCM vào dịp Tết là liều thuốc tinh thần giúp người lao động vơi bớt nỗi buồn trong suốt một năm khó khăn này.