Doanh nghiệp

Những cái "bắt tay" của doanh nghiệp niêm yết trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam

Trong hai ngày 10 – 11/9, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có chuyến thăm lịch sử cấp Nhà nước tới Việt Nam. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây cũng là dịp quan trọng để nhiều thương vụ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt – Mỹ được ký kết.

Vietnam Airlines

Ngày 11/9, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) và Tập đoàn Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 Max với giá trị 10 tỷ USD. 

Tại cuộc họp báo thông tin về thỏa thuận, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết hãng bay đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển đội máy bay giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2035, trong đó đầu tư máy bay là dự án trọng điểm để hãng đảm bảo đạt được mục tiêu, tầm nhìn chiến lược đã đặt ra trong giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững.

Vietnam Airlines và Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp (Ảnh: Vietnam Airlines).

Về kế hoạch thu xếp tài chính để mua máy bay, Vietnam Airlines cho biết đây là dự án quy mô rất lớn và việc đảm bảo nguồn vốn luôn được quan tâm đặc biệt. Hãng và Boeing sẽ tiếp tục hợp tác, trao đổi để hoàn thiện dự án đầu tư đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, trong đó có việc thu xếp và bảo đảm nguồn vốn cho dự án bằng nhiều nguồn và giải pháp phù hợp.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng nhấn mạnh, để triển khai dự án, hãng chắc chắn phải đảm bảo và có khả năng tự chủ một phần nguồn vốn sau quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu phục hồi, phát triển sau đại dịch. Bên cạnh nguồn vốn chủ động Vietnam Airlines cũng kỳ vọng và tin tưởng vào sự hỗ trợ thu xếp tài chính của Boeing, cũng như Chính phủ Mỹ để thực hiện thương vụ mua 50 tàu bay Boeing 737 Max.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết sẽ làm việc với các định chế tài chính để tìm kiếm các cơ hội và giải pháp thu xếp vốn cho dự án phù hợp nhất, bao gồm cả các giải pháp ngắn, trung hạn cho khoản tiền trả trước (PDP Financing), bán và cho thuê lại tàu bay (sales & leaseback).

Vietjet 

Cùng ngày (11/9), CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC)Tập đoàn tài chính Carlyle đã ký kết thoả thuận tài trợ tàu bay trị giá 550 triệu USD. Cụ thể, công ty Carlyle Aviation Partners thuộc Tập đoàn Carlyle sẽ cung cấp tài chính cho loạt tàu bay 737 Max thuộc đơn hàng 200 tàu của Vietjet và Boeing.

Ngoài ra, Vietjet và Boeing thống nhất bàn giao những tàu bay đầu tiên cho hãng theo đơn đặt hàng 200 tàu bay B737 Max trong chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam năm 2016. Đơn hàng trị giá hơn 25 tỷ USD sẽ được thực hiện trong 5 năm tới. Dự kiến 12 tàu bay đầu tiên sẽ được giao cho Vietjet trong năm 2024.

Boeing và Vietjet cũng thống nhất hợp tác xây dựng Việt Nam thành trung tâm cung cấp các dịch vụ hàng không về đào tạo huấn luyện, sửa chữa bảo dưỡng cho Việt Nam và quốc tế. Hai bên cũng phối hợp trong việc ứng dụng các công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, công nghệ hàng không, nhiên liệu xanh, giảm thiểu khí thải theo những tiêu chí hàng không bền vững.

Song song là các hỗ trợ phát triển hạ tầng hàng không, nâng cao năng lực vận hành sân bay, quản lý bay. Đồng thời Boeing thúc đẩy Việt Nam tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Boeing về sản xuất tàu bay và các thiết bị hàng không.

Vietjet và Boeing đã đạt được những thoả thuận thương mại quan trọng trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam. (Ảnh: Vietjet).

VPBank

Ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ngày 10/9, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) và Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký cam kết khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD kỳ hạn 7 năm.

Khoản vay được thu xếp bởi DFC nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đặc biệt là các doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các dự án xanh, bền vững tại Việt Nam. 

Khoản vay 300 triệu USD có giá trị tương đương 7.200 tỷ đồng, với thời hạn vay 7 năm, sẽ là nguồn bổ sung tài chính quan trọng giúp VPBank củng cố nền tảng vốn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động tài chính bền vững phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng.

 DFC và VPBank ký cam kết khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD (Ảnh: VPBank).

TPBank

Một khoản vay tương tự trị giá 100 triệu USD cũng được DFC cấp cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB). Khoản tín dụng sẽ được ngân hàng hướng đến khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, trong đó có nhóm khách hàng nữ thu nhập thấp và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo tại Việt Nam.

TPBank cho biết sẽ giải ngân các khoản vay với chính sách ưu đãi dành cho các đối tượng phù hợp và có nhu cầu, tập trung thông qua kênh số. Người dân và doanh nghiệp Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi và sử dụng để cải thiện tài chính, mở rộng kinh doanh, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Điều này phù hợp với mục tiêu của DFC là tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân tại các thị trường mới nổi.

DFC cam kết cấp khoản vay dài hạn trị giá 100 triệu USD cho TPBank (Ảnh: TPBank).

HDBank

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank – Mã: HDB) và Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp vốn đối ứng trị giá tương đương 20 triệu USD.

Theo thỏa thuận, nguồn vốn HDBank sẽ được dùng để đối ứng cho khoản vay từ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ nhằm xây dựng Đại học Fulbright trong Khu Công nghệ Cao TP HCM. Nguồn lực tài chính này hỗ trợ xây dựng trường cùng các cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đời sống sinh viên, phát triển nghiên cứu khoa học và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

HDBank cấp 20 triệu USD vốn đối ứng cho Fulbright Việt Nam (Ảnh: HD Bank).

FPT

Bên cạnh nhận dòng vốn đầu tư từ Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng cường đầu tư sang nền kinh tế số 1 thế giới. Tại Hội nghị Cấp cao Việt Nam - Mỹ diễn ra hôm 11/9 về Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT (Mã: FPT) cho biết tập đoàn dự kiến đầu tư 100 triệu USD và gần 1.000 nhân lực tại Mỹ đến cuối năm 2023.

Với những khoản đầu tư liên tục, FPT kỳ vọng sẽ tạo ra hơn 3.000 việc làm vào năm 2028 và đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Mỹ vào năm 2030.

 Ông Trương Gia Bình trò chuyện cùng lãnh đạo cấp cao của Mỹ. (Ảnh: FPT).

Ngoài ra, tại sự kiện, Chủ tịch FPT cũng công bố hợp tác chiến lược toàn diện với LandingAI - công ty trong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Silicon Valley (Mỹ) nhằm đẩy nhanh quá trình đưa AI vào đào tạo tại hệ thống giáo dục FPT Education. 

Ông Trương Gia Bình cũng cho biết tập đoàn ủng hộ các chính sách toàn diện từ Nhà Trắng để nuôi dưỡng hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam, với đề xuất Chính phủ Mỹ đầu tư đào tạo từ 30.000 đến 50.000 chuyên gia bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành này.

FPT mong muốn Đại học FPT nhận được đầu tư để đào tạo kỹ sư chuyên về thiết kế chip bán dẫn và AI, nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động  trong các lĩnh vực quan trọng này. 

Ngoài ra, theo thông cáo báo chí từ Nhà Trắng, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Việt Nam, nhà điều hành cảng SSA Marine có trụ sở tại Seattle và CTCP Gemadept (Mã: GMD) sẽ công bố ý định hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam Việt Nam, bao gồm cả lợi ích chung trong việc phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm