Bốn năm trước, Hilary Messer-Barrow và chồng quyết định rời khỏi cuộc sống thành thị ở Vancouver để chuyển đến thị trấn Beaver Creek thuộc Yukon, một tỉnh bang nhỏ nằm ở phía tây bắc của lãnh thổ Canada.
Quyết định này đã mở ra một lối sống hoàn toàn mới cho đôi vợ chồng trẻ, đặc biệt là về việc sinh hoạt và ăn uống hàng ngày. Trên trang Insider, Hilary chia sẻ rằng để mua được những món đồ thiết yếu và thực phẩm, hai người phải di chuyển đến thành phố duy nhất của tỉnh bang cách nơi ở khoảng 300 dặm (tương đương 482km).
Hilary Messer-Barrow chia sẻ về những kinh nghiệm đi chợ của mình
Quãng đường cả đi cả về hơn 10 tiếng đồng hồ khiến Hilary không thể đi chợ thường xuyên như trước, thay vào đó, cô chỉ đi 2 tháng một lần. Sau một thời gian làm quen, Hilary đã tìm ra được cách để mua được nhiều hàng nhất và tích trữ lâu nhất có thể.
Xác định rõ những món đồ cần mua
Ghi chú rõ ràng cần mua những thứ gì
Trước khi đi mua hàng, Hilary sẽ kiểm tra lại tủ đựng thức ăn và tủ đông lạnh để biết gia đình còn gì và cần mua thêm những gì. Bên cạnh đó, cô cũng lên kế hoạch chính xác cho những dịp đặc biệt như sinh nhật hoặc ngày lễ để không bị rơi vào tình trạng thiếu thức ăn.
Theo dõi hạn sử dụng của sản phẩm
Thường xuyên kiểm tra để không bị bỏ lỡ bất cứ món đồ nào
Vì không đi chợ hàng ngày nên việc bảo quản và theo dõi thực phẩm rất quan trọng. Hilary thường xuyên sắp xếp lại tủ lạnh để thức ăn không bị che khuất dẫn đến việc bỏ quên. Khi biết món đồ nào đó sắp hết hạn sử dụng, cô sẽ mang ra sử dụng để không bị lãng phí.
Nấu ăn với số lượng nhiều để dùng dần
Nấu thức ăn sẵn để trữ đông
Sau khi đi chợ về, hai vợ chồng thường tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tươi bằng việc nấu thức ăn với số lượng lớn, sau đó lại trữ đông để dùng dần. Với phương pháp này, thức ăn vừa có thể bảo quản lâu dài, lại vừa tiết kiệm thời gian nấu nướng. Các món ăn mà Hilary thường nấu bao gồm các món súp, món rau củ và thịt hầm.
Luôn có đủ thức ăn trong kho chứa
Mua đầy đủ các loại thức ăn và đồ dùng cần thiết
Ngoài những món ăn được lên kế hoạch từ trước, Hilary còn chuẩn bị thêm nhiều nguyên liệu khác để phòng khi cô ngẫu hứng muốn làm bánh hoặc chế biến những món phức tạp. Tủ đông trong nhà luôn có sẵn những thực phẩm cơ bản như thịt, cá, trái cây, và rau. Ngoài ra, cô còn trữ thêm các sản phẩm như sữa, bơ, bột và đường.
Tìm cách sử dụng hết mọi nguyên liệu đã mua
Chế biến nhiều món khác nhau để tận dụng hết mọi loại thực phẩm
Vào những ngày đầu sau khi đi chợ, hai vợ chồng sẽ ăn rất nhiều salad và những món làm từ rau tươi. Khi đã ăn hết rau, bữa ăn của họ sẽ chuyển sang các món rau củ đông lạnh. Trong trường hợp không kịp ăn hết các loại trái cây tươi như táo, lê, mận, chúng sẽ được chế biến thành mứt hoặc dùng làm bánh.
Giữ thực phẩm tươi lâu nhất có thể
Mỗi loại thực phẩm có một cách bảo quản khác nhau
Để thích nghi với điều kiện sống mới, Hilary đã tìm ra một số cách bảo quản thức ăn. Chẳng hạn như khoai lang, khoai tây sẽ được để ở nơi tối, mát mẻ và thoáng khí, trong khi hành và tỏi sẽ được để ở tủ mát.
Nếu tủ lạnh không đủ lớn để chứa, cô sẽ cắt bỏ phần lá của cà rốt, củ cải và để vào một góc mát mẻ. Nếu là mùa đông thì chúng sẽ được đặt ở gần cửa sổ.
Tự trồng và làm những gì có thể
Tự trồng rau để tiết kiệm và luôn có nguồn thức ăn tươi
Sau khi chuyển nhà, Hilary nhận ra rằng nhiều mặt hàng tạp hóa mà cô vẫn hay mua sẵn có thể dễ dàng tự làm tại nhà, chẳng hạn như bánh mì hoặc trà kombucha. Một số loại rau củ cũng có thể được trồng tại nhà bằng hệ thống thủy canh. Khi thu hoạch được nhiều rau, cô sẽ tiếp tục tích trữ chúng bằng cách cắt nhỏ và đông lạnh.
Nguồn: Insider