1. Tiết kiệm tích cực có định kỳ
Làm sao để mở rộng nguồn thu và tích lũy là bước đầu tiên trong quản lý tài chính. Tăng thêm nguồn thu nhập, tính toán số tiền nào nên tiết kiệm, số còn lại mới là tiền để tiêu xài.
Tuy mức lương luôn có hạn chế nhưng chuyện đầu tiên bạn nên làm sau khi nhận lương tháng chính là phải vạch ra kế hoạch tiết kiệm. Song, tuyệt đối không đem cả một phần tiền cần chi tiêu để gửi vào ngân hàng. Nếu không bạn sẽ rơi vào tình trạng tiết kiệm một cách gượng gạo và thiếu khoa học.
Trích ra một khoản tiết kiệm hàng tháng là bước đầu tiên trong việc quản lý tài chính.
2. Học cách ghi chép tài chính
Làm tốt dự toán chi tiêu, tập thói quen ghi chép sổ sách. Bạn cần thống kê đơn giản những chi tiêu cần thiết và phân tích tỉ mỉ để tìm ra phần nào là cần thiết, phần nào chưa thật sự cần, đồng thời lập luôn một kế hoạch chi tiêu cho tháng kế tiếp. Thu nhập cao hay thấp thì bạn cũng cần biết rõ những chi phí của mình trước tiên.
3. Thu nhỏ chi tiêu theo tâm trạng
Trong xã hội hiện đại ngày nay, tiêu xài theo tâm trạng càng ngày càng nhiều cho nên bạn cần nắm vững phần này hơn những người khác. Ví dụ gia đình bạn có hỷ sự thì nên khống chế tâm lý chạy theo trào lưu của mình. Không nhất thiết bạn phải có một đám cưới linh đình như người ta. Nếu thu nhập thấp thì việc tiêu tiền vì thể diện sẽ khiến bạn rơi vào rất nhiều rắc rối sau đó đấy.
4. Kế hoạch mua sắm
Cuối mỗi tháng, bạn nên liệt kê chi tiết những thứ cần mua cho tháng tới. Ví dụ: quần áo, thực phẩm và những vật dụng khác… Khi đi mua hàng, bạn có thể đem danh sách này theo để tránh "phóng tay" quá mức. Tuy nhiên không phải cứ rập khuôn theo danh sách đã lập trước đó, bạn cần căn cứ tình hình thực tế của thị trường giá cả mà có thể điều chỉnh tại chỗ cho phù hợp hơn.
5. Tập thói quen sống tiết kiệm
Thực tế có rất nhiều chi tiêu không cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Mặc dù số tiền bỏ ra nhìn vào có vẻ không lớn nhưng thời gian lâu dài cộng lại thì quả thực con số không hề nhỏ như bạn nghĩ. Vì vậy, mọi sinh hoạt cái gì có thể tiết kiệm thì tiết kiệm. Chẳng hạn như: tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu… Ngoài ra nên giảm bớt thói quen ra ngoài dùng bữa. Thay vì ra ngoài ăn trong giờ nghỉ ở chỗ làm, hãy dùng những bữa cơm tự chế biến vừa ngon sạch, vừa giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí.
Thay vì ăn ở ngoài, hãy mang đồ ăn ở nhà đến công sở.
6. Kéo dài tuổi thọ các vật dụng
Bất cứ vật gì cũng đều có tuổi thọ của nó. Nếu biết cách sử dụng và bảo dưỡng thì không những có thể kéo dài thời gian mà còn nâng cao chức năng của sản phẩm. Phương pháp này vô hình trung cũng đã giúp bạn tiết kiệm cho khoản thay đổi đồ mới.
7. Học vài kỹ thuật sửa chữa cơ bản
Những kiến thức về sửa chữa và nguyên lý hoạt động của đồ điện, máy móc trong nhà, bạn hãy cố gắng tìm hiểu và nắm vững chúng. Đồng thời chuẩn bị sẵn vài công cụ sửa chữa đơn giản như ốc vít, búa, khoan, đinh, kìm,… Thói quen tốt này sẽ giúp bạn chủ động hơn khi đồ dùng gặp sự cố và đỡ khoản tiền gọi thợ đến xử lý.
8. Tăng thu nhập bằng việc "kiêm nhiệm"
Khi thu nhập của bạn không cao, ngoài việc tiết kiệm chi tiêu thì bạn còn phải nghĩ cách tăng thu nhập. Tận dụng những khoảng thời gian rảnh để kiêm thêm việc gì đó phù hợp, tuy số tiền kiếm được không nhiều nhưng nguyên lý "tích tiểu thành đại" không bao giờ thừa.
9. Biết mua bảo hiểm
Chi phí cho khoản y tế hiện nay luôn là một gánh nặng lớn. Và những sự cố ngoài ý muốn hay bệnh tật không chừa một ai. Do đó dù thu nhập chưa dư dả nhưng bạn cũng nên mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho gia đình mình. Tuy nhiên căn cứ theo mức thu nhập còn khá khiêm tốn thì tốt nhất bạn nên chọn những mức bảo hiểm thấp hơn 10% thu nhập.
10. Thận trọng trong đầu tư
Đầu tư cũng là một cách quản lý tài chính rất tốt. Tuy nhiên trước khi tiến hành, bạn cần phải chuẩn bị tâm lý giải quyết mọi vấn đề phát sinh, tìm hiểu kỹ lĩnh vực mình sắp đầu tư và dự tính những mạo hiểm có thể gặp phải. Đầu tư cần phải có tầm nhìn xa chứ không phải lao vào theo hứng thú hay chạy theo trào lưu.