Bất động sản

Nhộn nhịp đấu giá đất ven Hà Nội cuối năm

(Ảnh minh họa: Di Anh).

Sáng ngày 30/11 tới đây, huyện Thanh Oai (Hà Nội) sẽ tổ chức đấu giá 22 thửa đất với tổng diện tích hơn 2.209 m2, tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.

Các thửa đất có diện tích từ 85,75 m2 đến 135,7 m2 với giá khởi điểm là 5,3 triệu đồng/m2. Số tiền đặt trước từ hơn 93 triệu đồng đến hơn 143 triệu đồng mỗi thửa. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng (tối thiểu 5 vòng đấu bắt buộc).

Cũng tại khu đất này, sáng ngày 7/12, huyện này sẽ tổ chức đấu giá 19 thửa đất với giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2. Các thửa đất có diện tích từ 87 m2 đến 117 m2, tiền đặt trước từ 92 triệu đến 136 triệu đồng mỗi thửa. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng (tối thiểu 5 vòng đấu bắt buộc). 

Tiếp đó, sáng 21/12, huyện Thanh Oai tiếp tục tổ chức đấu giá 20 thửa đất cũng tại khu vực này. Các thửa đất có diện tích từ 96,04 m2 đến 149,34 m2; mức giá khởi điểm là 5,4 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước từ 109 triệu đến 158 triệu đồng mỗi thửa. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng (tối thiểu 8 vòng đấu bắt buộc).  

Ngày 25/11, huyện Thường Tín sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 24 thửa đất thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá xã Vạn Điểm. Các thửa đất có diện tích 128 - 378 m2/thửa với giá khởi điểm 3,8 triệu đồng/m2.

Huyện Quốc Oai cũng đang tìm đơn vị để tổ chức đấu giá 26 thửa đất (Khu LK1, LK2) và 26 thửa đất (Khu LK2, LK6) tại khu đất đấu giá 31 thôn Yên Quán, xã Tân Phú. Các thửa đất có diện tích từ 73,2 m2 đến 122 m2, giá khởi điểm là 4,7 triệu đồng/m2. 

Giá trúng tăng cao

Quan sát các phiên đấu giá đất gần đây cho thấy "sức nóng" đã giảm bớt, không còn cảnh chen chúc với hàng nghìn người tham gia. Mặc dù vậy, một số phiên đấu giá vẫn có mức giá trúng cao hơn hàng chục lần so với giá khởi điểm.

Đơn cử, huyện Quốc Oai ngày 16/11 đã tổ chức đấu giá 20 thửa đất (Khu LK3, LK4) tại khu đất đấu giá ĐG31/2019 thôn Yên Quán, xã Tân Phú. Các thửa này có diện tích từ 80,1 - 105,4 m2, với giá khởi điểm là 4,7 triệu đồng/m2. 

Kết quả, thửa có giá trúng cao nhất là 94,7 triệu đồng/m2 và thấp nhất 70,7 triệu đồng/m2. Số tiền huyện Quốc Oai thu được từ phiên đấu giá là gần 142 tỷ đồng, chênh gần 134 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Cùng ngày, huyện Thanh Oai cũng tổ chức đấu giá 25 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động (đợt 1).

Các thửa này có diện tích từ 83 - 157 m2, giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2. Kết quả, giá trúng cao nhất ở mức 90,3 triệu đồng/m2, thuộc về hai thửa đất ở vị trí góc. Các thửa này rộng khoảng 114 m2 và 129 m2, tức giá cả thửa lần lượt gần 10,3 tỷ và 11,7 tỷ, gấp hơn 17 lần giá khởi điểm. Giá trúng thấp nhất ở mức 45,3 triệu/m2, thuộc về thửa đất cũng ở vị trí góc, rộng 157 m2, tức hơn 7,1 tỷ, gấp 8,5 lần giá khởi điểm.    

Hay ngày 11/11 vừa qua, phiên đấu giá 32 thửa đất LK05 và LK06 tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên đã xác định được người trúng giá cao nhất ở mức hơn 109 triệu đồng/m2, tăng gần 15 lần giá khởi điểm. Đây là lô góc (LK06-09), diện tích 148 m2, tổng giá trị cả lô đất khoảng 16,1 tỷ đồng. Các lô đất còn lại trúng giá từ 79 - 97 triệu đồng/m2. 

Theo các chuyên gia của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), giá đất đấu giá gần đây vẫn tăng cao bởi một số nguyên nhân. 

Thứ nhất, mức giá khởi điểm vẫn thấp hơn nhiều so với mức giá thị trường được xác định hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành, được tính bằng hệ số K nhân với bảng giá đất của thành phố. UBND địa phương vẫn đang căn cứ vào bảng giá đất cũ từ năm 2020, có hiệu lực tới 31/12/2025. Do đó, mức giá khởi điểm sẽ chỉ thay đổi khi Hà Nội ban hành bảng giá đất mới. 

Thứ hai, giá đất tại các phiên đấu giá tiếp tục tăng cao bởi nhu cầu về bất động sản, nhất là các sản phẩm đảm bảo về pháp lý, có tiềm năng tăng trưởng rõ ràng như đất đấu giá rất lớn. Thực tế, tại các khu vực như Hoài Đức hay Hà Đông, tiềm năng phát triển đô thị cùng với sự phát triển hạ tầng tạo ra kỳ vọng rất lớn cho nhà đầu tư.

Rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao để sở hữu các sản phẩm có số lượng không nhiều này, dù mức giá ấy có thể vượt xa giá trị thực tế của lô đất. Ngoài ra, với kỳ vọng rằng đất đai sẽ tiếp tục tăng giá trong tương lai, những người mua có thể chấp nhận mức giá cao hơn rất nhiều so với định giá thông thường.

Đặc biệt, mức giá tăng cao do thị trường bất động sản Hà Nội đang tăng trưởng “nóng” với nguồn cung vẫn hạn chế, mức giá sơ cấp liên tục thiết lập mặt bằng mới ở ngưỡng cao cùng với kỳ vọng về việc mở rộng thành phố và hạ tầng giao thông.

Một nguyên nhân quan trọng khác theo VARS khiến mức giá đấu trúng tăng cao là do các hành vi trả giá cao hơn rồi bỏ tiền đặt cọc, không nộp tiền trúng đấu giá, thậm chí sẵn sàng bất chấp rủi ro, hoàn thành nghĩa vụ trong cuộc đấu giá để hợp thức hóa mức giá trúng với mục đích "thổi giá", tạo mặt bằng giá ảo để làm căn cứ để đẩy mức giá của các lô đất có liên quan nhằm trục lợi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm