Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 10,7 điểm (0,85%) lên 1.270,78 điểm, HNX-Index tăng 2,56 điểm (1,07%) đạt 240,58 điểm, UPCoM-Index giữ nguyên ở mốc 90,54 điểm.
VN-Index duy trì sắc xanh đến hết phiên sáng nay. Toàn thị trường ghi nhận 609 mã tăng, 223 mã giảm và 219 mã tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường phiên sáng nay đạt gần 722 triệu đơn vị, tương ứng gần 18.833 tỷ đồng.
Tính riêng trên HOSE, giá trị khớp lệnh là 13.267 tỷ đồng, tăng 45% so với phiên trước. Cổ phiếu ngân hàng duy trì vai trò dẫn dắt đến cuối phiên khi riêng nhóm này đã đóng góp gần một nửa số điểm tăng của VN-Index. Trong đó, VCB nổi bật với tỷ lệ tăng 2,3% lên 95.300 đồng/cp và là công thần lớn nhất khi giúp VN-Index có thêm gần 3 điểm.
Nhóm chứng khoán tiếp tục thể hiện là chỉ báo của thị trường với loạt mã tăng mạnh như CSI (+5,8%), SHS (+4,2%), VIG (+3,5%), AAS (+3,4%), VND (+3,4%), SBS (+2,6%), BMS (+2,5%), EVS (+2,4%), MBS (+2,1%), TVB (+2,1%), HCM (+2%), … Chiều ngược lại, chỉ có DSC và PHS chưa thể thoát khỏi vùng giá đỏ.
Động lực cho thị trường đến từ các bluechip với 28/30 mã trong rổ VN30 ghi nhận tăng điểm, trong đó, PLX là đầu tàu dẫn dắt với mức tăng 2,8% lên 38.500 đồng/cp. Theo sau, VCB, VIB, HDB, TCB, SSI, VJC, VRE, HPG, MSN, SAB, ... đều là các trụ đỡ tích cực của thị trường phiên sáng nay.
Tính đến 9h30, VN-Index tăng 7,54 điểm (0,6%) lên 1.267,62 điểm, HNX-Index tăng 1,72 điểm (0,72%) đạt 239,75 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (0,1%) về 90,45 điểm.
Tiếp đà hồi phục phiên trước đó, VN-Index mở cửa tăng hơn 11 điểm và chạm kháng cự 1.270 điểm, tương đương khu vực đỉnh cũ. Tuy nhiên, áp lực bán dâng cao ở khu vực này khiến chỉ số chính sàn HOSE có phần thu hẹp sắc xanh.
Sắc xanh tan tỏa ở tất cả các nhóm ngành và nhóm cổ phiếu giúp dòng tiền vào thị trường ghi nhận cải thiện. Một số cổ phiếu cũng giao dịch sôi động với khối lượng khớp lệnh ghi nhận hàng triệu đơn vị, điển hình như VND (11,4 triệu cổ phiếu), GEX (4,9 triệu cổ phiếu), VIX (4,7 triệu cổ phiếu), SSI (4,5 triệu cổ phiếu), DIG (3 triệu cổ phiếu), ...
Theo quan sát, động lực tăng của thị trường chung chủ yếu được dẫn dắt bởi các cổ phiếu lớn trong rổ VN30. Ở nhóm vốn hóa lớn, hiện có 27 cổ phiếu ghi nhận tăng điểm, trong đó nổi bật nhất là MWG khi tăng 1,4% lên 48.600 đồng/cp. Top10 mã ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index đã giúp chỉ số có thêm hơn 4 điểm, trong khi ảnh hưởng của các lực cản chính lên thị trường là không đáng kể.
Bộ ba ngân hàng, chứng khoán, bất động sản là trụ đỡ chính của thị trường tính đến hiện tại các nhóm này đã góp hơn một nửa điểm số của VN-Index. Kế đến cổ phiếu thép, hóa chất, bán lẻ, sản xuất thực phẩm, ... cũng giao dịch tích cực, góp phần củng cố thêm cho sắc xanh của thị trường.
Ở nhóm bất động sản, HPX có phiên tăng trần thứ hai liên tục với khối lượng dư mua giá trần tính đến hiện tại gần 42 triệu đơn vị. Sau nhiều tháng bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu của CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - đã được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM chấp thuận chi giao dịch trở lại trong phiên hôm qua (20/3).
Tại thị trường quốc tế, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng lập đỉnh trong phiên giao dịch ngày 20/3 sau khi Fed tái khẳng định về ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Trước cuộc họp, một số nhà đầu tư đã lo ngại rằng báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo gần đây có thể khiến Fed hạ lãi suất ít hơn.
Cụ thể, theo CNBC, trong phiên giao dịch hôm 20/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã tăng 401 điểm, tương đương 1,03% và kết thúc ở mức 39.512 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ S&P 500 nhích 0,89% lên 5.225 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,25% lên 16.369 điểm. Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều lập đỉnh lịch sử mới trong phiên giao dịch này.