Cái bắt tay của những ông lớn không chỉ hứa hẹn những thành quả quy mô mà còn khơi dậy nhiều tò mò - đó là trường hợp của TMD Group và Plaschem.
Vừa qua, tỉnh Nghệ An vừa công bố chấp thuận chủ trương đầu tư hai dự án điện mặt trời với tổng mức 7.800 tỷ đồng, công suất 450 MWp triển khai trên diện tích mặt hồ thuộc huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, Nghệ An.
Hai dự án do CTCP Điện mặt trời Khe Gỗ MK (Khe Gỗ MK) và CTCP Đầu tư Điện mặt trời hồ Vực Mấu MK (Vực Mấu MK) với quy mô lần lượt là 4.100 tỉ đồng (250 MW) và 3.700 tỉ đồng (200 MW). Đã hoàn thành thẩm định bước một về hồ sơ pháp lý về năng lực và hiện trạng sử dụng đất, hai dự án sẽ hoàn thành bước hai và triển khai lắp đặt vào 1/2023. 12/2023 dự kiến sẽ đóng điện và vận hành thương mại.
Được biết, cả Khe Gỗ MK và Vực Mấu VK đều là công ty con của CTCP Điện mặt trời Miền Trung (Miền Trung MK) - kết quả đi ra từ sự hợp tác giữa CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức (TMD Group) và CTCP Hóa Chất Nhựa (Plaschem) trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Trước đó, đầu năm 2020, “con đẻ” của TMD và Plaschem cũng đã thể hiện tham vọng của hai đại gia với dự án điện gió đình đám Kỳ Anh MK tại Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư lên đến 16.205,9 tỉ đồng, dự kiến sẽ đi vào vận hành tháng 6 năm nay.
Miền Trung MK được TMD Group và Plaschem thành lập vào cuối tháng 9/2019, chủ tịch HĐQT là bà Chu Thị Thành. Tại thời điểm thành lập, Plaschem, sở hữu 45% cổ phần công ty với khoản vốn góp 202,5 tỉ đồng. TMD Group và người liên quan nắm 50% vốn điều lệ.
Cái tên TMD Group không còn xa lạ gì với giới đầu tư miền Trung.Đây là doanh nghiệp đã có 20 năm kinh nghiệm trong ngành xuất nhập khẩu xăng dầu và khí hóa lỏng với mạng lưới phân phối lên tới hơn 100 đại lý bán lẻ trên toàn quốc.
Plaschem là công ty của doanh nhân Bùi Tố Minh (SN 1967) được thành lập từ 1999, đăng ký địa chỉ trụ sở tại tòa nhà cùng tên tại số 562, Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất nhựa, sở hữu 5 bộ dây chuyền sản xuất tổng công suất vận hành đến cuối năm 2015 đạt khoảng 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 48 – 50% tổng sản lượng cả nước. Doanh số hàng năm của công ty đạt hơn 1.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, liên tục trong 4 năm từ 2016 - 2019, doanh nghiệp đều có tăng trưởng về doanh thu. Tính trong 2019, doanh thu thuần của Plaschem đạt mức 3.214,7 tỉ đồng, lãi thuần của Plaschem lên đến 244,9 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 7,6%. Kết năm, quy mô tài sản 2.646,2 tỉ đồng.
Cơ đồ của ông Minh còn được xây đắp dựa trên mảng bất động sản của Plaschem, với các thành tự nổi bật nhất là chuỗi Silk Path với 5 khách sạn cao cấp phân bổ tại Sa Pa, Hà Nội, Huế và TP. HCM, hay thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản số 93 Đức Giang, Long Biên, Hà Nội trong năm 2020 cho đối tác là Cen Invest.
TMD Group và Plaschem bắt tay từ 2019, sau khi Plaschem có mối hợp tác không thành với nhóm Gami. Hai doanh nghiệp tưởng chừng có lĩnh vực kinh doanh không liên quan nhưng lại có mối quan hệ hợp tác hiệu quả. Không giới hạn ở mảng năng lượng tái tạo, bộ đôi còn đồng hành trong lĩnh vực BĐS với CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Hà Nam (KCN Hà Nam).