Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất ít năm, cha tôi đã thực hiện một cuộc "cách mạng" đó là đưa cả nhà vào miền Nam lập nghiệp. Cha tôi người cựu chiến binh già, dành cả thanh xuân cho nền hòa bình dân tộc. Một người đàn ông mạnh mẽ đến vậy đã ôm mẹ khóc như một đứa trẻ hôm nhà có điện. "Có điện thật rồi bà nó ơi. Điện về xã ta rồi. Từ giờ lũ trẻ bớt khổ, bà con mình bớt khổ. Có được điều ấy mình phải ghi nhớ công sức của những người thợ điện không quản ngày đêm, dầm mưa dãi nắng kéo dây, dựng cột mang ánh sáng tới từng nhà bà con…", ông xúc động nói một hơi với mẹ.
Ngày ấy, đọc thư mẹ tôi vẫn có thể mường tượng ra khuôn mặt xương xương đầy cương nghị đã hằn sâu dấu ấn thời gian, nhưng chẳng thể che lấp niềm hạnh phúc của cha về ngày có điện. Ngôi nhà lợp mái đơn sơ, vách được chắp vá những thanh gỗ nơi mảnh đất phương nam xa xôi ấy được thắp lên thứ ánh sáng diệu kỳ. Từ hôm đó, những ngọn đèn điện thay thế hoàn toàn chiếc đèn dầu hỏa...
Vì để khoe niềm tự hào với con gái nơi miền Bắc xa xôi về căn nhà của cha mẹ đã có điện, cha tôi đã gọi thợ chụp ảnh, chụp lại hình ảnh ngôi nhà lúc bật đèn. Ông muốn lưu giữ khoảnh khắc ngôi nhà được ngập tràn trong ánh sáng đèn điện thế nào. Mà chẳng phải chỉ căn nhà của cha mẹ tôi trở nên đẹp đẽ, ấm cúng hơn khi có điện, tôi còn cảm nhận khuôn mặt của hai đấng sinh thành khi ấy cũng ngời sáng biết nhường nào.

Nhờ có điện, cô giáo vùng sâu, vùng xa đi vận động học sinh đến trường cũng dễ dàng hơn
ẢNH: ĐIỆN LỰC BÌNH PHƯỚC
Có điện rồi nhưng phải thật nhiều năm sau tôi mới được đoàn tụ cùng cả gia đình vào đúng dịp tháng 4 lịch sử của năm 2000. Sau nhiều năm tích góp, cha mẹ đã phá bỏ ngôi nhà gỗ đơn sơ để làm nhà mới.
"Đổi thay và phát triển" là cảm nhận đầu tiên của tôi khi được dạo quanh ngôi nhà mới khang trang của cha mẹ. Ngôi nhà được xây theo kiểu cấp bốn lợp mái ngói đỏ tươi điểm xuyết chút rêu phong ghi dấu thời gian. Ở đó, không còn chiếc ti vi đen trắng ngày xưa nữa mà thay vào đó là chiếc tivi màu hiện đại hơn hẳn.
Hòa bình lập lại sau 25 năm, cha tôi lúc ấy cũng đã ở cái tuổi 75 và đã có dấu hiệu của căn bệnh đãng trí, lúc nhớ lúc quên, một phần bởi di chứng của chiến tranh. Khoảng thời gian ngắn ngủi sống cùng cha mẹ trong ngôi nhà mới ấy, dưới ánh sáng điện ấy, đêm đêm, tôi được cha kể rất nhiều về chiến trường, bom đạn, mất mát và cả những chiến công.
Những câu chuyện của cha thường bắt đầu bằng từ "hồi ấy" và nhờ có điện mà cha được xem lại những khoảnh khắc sinh tử của quân và dân ta khi giành giật từng tấc đất với kẻ thù qua những thước phim tài liệu. Nhờ có điện mà cha như thấy lại chính mình, thêm nhiều lần tự hào về những ngày vào sinh ra tử với đồng đội nơi chiến trường xưa. Nhờ có điện mà cha được chứng kiến khí thế hào hùng của quân và dân ta qua những thước phim ghi lại cảnh hai chiếc xe tăng của bộ đội ta húc đổ cổng Dinh Độc Lập, được thấy lá cờ cách mạng tung bay trên bầu trời tự do của ngày 30.4.1975 lịch sử.
"Cũng nhờ có điện mà cha xem được những chương trình thời sự của các nhà đài, để thấy đất nước mình đổi mới nhiều sau thống nhất, để thấy Việt Nam thật đẹp, đoàn kết và anh hùng...", cha cười, nụ cười hiền như đất.
Dì Út của tôi là giáo viên tiểu học tại tỉnh Bình Phước, dì tiếp lời cha khi nói về điện. Dì kể: Nhờ có điện mà tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng cũng giảm đi. Đặc biệt, nếu các cô giáo phải đi vận động học sinh tới lớp, thường nói về những tiện nghi mà nhờ có điện, học sinh đi học sẽ tốt hơn ở nhà rất nhiều. Rằng trường học giờ khang trang lắm, lớp nào cũng có quạt điện để các con học, chơi mát mẻ hơn trong những ngày nắng nóng. "Các trường học vùng sâu, vùng xa giữ được chân học trò một phần cũng nhờ điện", dì Út tâm sự.
Tết vừa qua, tôi về thăm người thân, ai cũng khoe nay điện thoại cài app chăm sóc khách hàng của Điện lực miền Nam, nên cái gì liên quan đến điện trong nhà, lên đó tra là biết. "Nay nhà tui dễ dàng biết trong tuần mình dùng hết bao nhiêu ký điện. Nếu thấy dùng nhiều thì giảm bớt, rồi xem lịch tắt điện, báo sự cố gì cũng trên đó hết. Tiện lợi quá luôn", cậu Ba kể.
Giờ đây, cha tôi cũng đã về miền mây trắng nhiều năm. Ngôi nhà cũ cha mẹ tôi sinh sống cũng khoác lên mình tấm áo mới khang trang, hiện đại hơn. Điện không chỉ thắp sáng, "làm mát" mọi ngõ ngách của ngôi nhà mà điện còn thắp sáng niềm tin nơi mảnh đất phương nam trù phú, giàu có và hiện đại. Để có được thành quả cùng sự phát triển không ngừng nghỉ ấy, không thể không nhắc tới những đóng góp, sự nỗ lực của ngành điện miền Nam trong suốt 50 năm qua.
Cuộc thi viết "50 năm thắp sáng niềm tin" có tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.
- Nhận bài thi đến hết ngày 30.4.2025.
- Email: [email protected]. Mời quý bạn đọc xem thể lệ cuộc thi trên thanhnien.vn/evnspc.vn.