Tài chính

NHNN dự định bổ sung quy định về biện pháp can thiệp sớm với tổ chức tín dụng có dấu hiệu yếu kém

Bổ sung biện pháp can thiệp sớm để kiểm soát TCTD có dấu hiệu yếu kém 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo rà soát, nghiên cứu Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2017 và định hướng những nội dung chỉnh sửa Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD).

Về việc cơ cấu lại TCTD và xử lý TCTD yếu kém, Luật sửa đổi bổ sung một số quy định hiện hành tại Luật các TCTD về nâng cao năng lực quản trị, điều hành, xử lý tình trạng sở hữu chéo, cảnh báo sớm, can thiệp sớm với các TCTD yếu kém.

Ngoài ra, Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật các TCTD để giải quyết một số bất cập phát sinh trong thực tiễn triển khai Luật trong thời gian trước như quy định về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, đình chỉ và quyết định mức lương, lợi ích khác đối với chức danh thuộc bộ phận kiểm toán nội bộ, quy định cụ thể việc xây dựng, phê duyệt phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, điều kiện áp dụng, nội dung phương án, biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án.

Về kiểm soát TCTD có dấu hiệu yếu kém, NHNN dự định sẽ bổ sung quy định về biện pháp can thiệp sớm để kiểm soát TCTD có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa đến mức phải kiểm soát đặc biệt, bổ sung và quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN trong việc xử lý, cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Về khoản vay đặc biệt, TCTD được kiểm soát đặc biệt ngoài việc được vay đặc biệt của NHNN, TCTD khác còn được vay đặc biệt của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng hợp tác xã; các TCTD khác, hoàn thiện quy định về chuyển giao bắt buộc, phá sản các TCTD yếu kém, quy định cụ thể về trường hợp, trình tự, thủ tục phê duyệt, nội dung phương án chuyển giao bắt buộc, phá sản...

 (Ảnh minh họa)

Giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông

Đối với các quy định về sở hữu chéo, hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của TCTD để phục vụ cho các lợi ích liên quan, Luật các TCTD đã được sửa đổi, mở rộng phạm vi người liên quan dựa trên mức độ rủi ro của mối quan hệ giữa những người này với hoạt động của TCTD.

Ngoài ra, Luật bổ sung quy định không cho phép Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác để hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền hạn để thực hiện hoạt động đầu tư, cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường, tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của TCTD.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông của TCTD cổ phần nhằm đại chúng hóa cổ đông của TCTD cổ phần và hạn chế sự thao túng TCTD của các cổ đông; sửa đổi, bổ sung các quy định về góp vốn, mua cổ phần của các TCTD.

Bên cạnh đó, về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần cũng được quy định nhằm tăng cường tính đại chúng của TCTD cổ phần để bảo đảm sự minh bạch, hạn chế sự thâu tóm, hạn chế việc sở hữu chéo có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, gây mất an toàn hệ thống.

Ngoài ra, Luật các TCTD đã phân biệt rõ phạm vi hoạt động của các TCTD phi ngân hàng khác với các ngân hàng là không được phép nhận tiền gửi của cá nhân và không được cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.

Về các bất cập, Luật TCTD cũng bộc lộ một số vướng mắc về các quy định liên quan đến cơ cấu lại TCTD, trong đó có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ thanh tra, giám sát trước các rủi ro pháp lý trong quá trình xử lý TCTD yếu kém.

Theo NHNN, việc xử lý TCTD yếu kém là vấn đề khó khăn, phức tạp và gây ra rủi ro pháp lý cho NHNN nói chung cũng như các cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý, tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nhân lực xử lý TCTD yếu kém, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý TCTD yếu kém.

Luật các TCTD sửa đổi năm 2017 được Quốc hội thông qua giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý cơ cấu lại TCTD

Cùng chuyên mục

Đọc thêm