Trong ngày 12/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút thêm 20.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu, đưa tổng lượng hút tiền qua kênh này trong 16 phiên liên tiếp lên gần 186.000 tỷ đồng.
Ngày đáo hạn của lô tín phiếu này là 9/11, lãi suất trúng thầu đạt 0,9%/năm, đã nhích tăng so với phiên trước đó (0,68%/năm) nhưng vẫn thấp hơn so với mức đỉnh 1,3%/năm ghi nhận ngày 4 và 5/10.
Số tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu cũng tăng lên đạt 11 tổ chức tín dụng, trong đó có 10 đơn vị trúng thầu. Kết quả này cao hơn so với giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10 khi thường chỉ có từ 4 đến 6 tổ chức trúng thầu.
Cùng với động thái hút ròng tiền trên thị trường mở, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã có diễn biến tăng mạnh từ 0,14%/năm ngày 21/9 lên 1,32%/năm vào ngày 5/10, đây cũng là ngưỡng cao nhất kể từ giữa tháng 6.
Tuy nhiên, trong những phiên gần đây, lãi suất qua đêm lại có xu hướng giảm, đến ngày 11/10 đã về mức 0,37%/năm, thấp hơn ngưỡng đầu tháng 10.
Như vậy, sau 16 phiên hút tiền liên tục, khoảng cách giữa lãi suất qua đêm tại Việt Nam và Mỹ lại trở về ngưỡng khoảng 5%, dấu hiệu cho thấy áp lực tỷ giá trở lại như trước.
Giới chuyên gia cho rằng động thái phát hành tín phiếu của NHNN có thể giúp điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, từ đógiảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.
Theo SSI Research, mức độ biến động tỷ giá trên thị trường ngân hàng và chợ đen cho thấy chênh lệch cung-cầu đang nghiêng nhiều trên thị trường ngân hàng, nhiều khả năng là do hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá từ các ngân hàng thương mại.
Các chuyên gia SSI cho rằng động thái này không đồng nghĩa với việc đảo chiều chính sách tiền tệ khi khối lượng hút ròng các phiên vẫn chưa có quá nhiều sự đột biến và vẫn trong tầm kiểm soát nếu so với mức thanh khoản trung bình hàng ngày trên thị trường liên ngân hàng là vào khoảng 200.000 tỷ đồng/phiên.
NHNN lựa chọn phát hành tín phiếu làm phương án bắt đầu trong năm 2023 (thay vì bán dự trữ ngoại hối như năm 2022) nhằm hạn chế ảnh hưởng dài hạn đến thanh khoản hệ thống ngân hàng.