Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) cho biết đã sử dụng DensePose, hệ thống AI có khả năng ánh xạ tất cả điểm ảnh trên bề mặt cơ thể người. AI này do bộ phận trí tuệ nhân tạo của Facebook phát triển phối hợp với một công ty nghiên cứu ở London.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu kết hợp DensePose với một mạng neuron sâu làm nhiệm vụ kết hợp với tín hiệu Wi-Fi từ bộ định tuyến. Sóng Wi-Fi sẽ được gửi và nhận bởi bộ định tuyến tới các tọa độ trên cơ thể, sau đó truyền về máy tính để phân tích. Kết quả là, một người hoặc đồ vật có thể được nhìn thấy dưới dạng 3D kể cả khi bị bức tường che khuất hoặc trong đêm tối.
Trước đây, đã có một số phương pháp nhìn xuyên tường tương tự. Tuy nhiên, các giải pháp đó đều sử dụng máy ảnh chuyên dụng hoặc cảm biến Lidar đắt đỏ, trong khi khả năng ứng dụng hạn chế. Chẳng hạn, năm 2013, nhóm nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tìm ra cách sử dụng tín hiệu điện thoại di động để nhìn xuyên tường. Năm 2018, một nhóm khác cũng của MIT đã sử dụng Wi-Fi để phát hiện người ở phòng khác chuyển động, nhưng chỉ hiển thị dưới dạng hình que.
Theo đại diện nhóm nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon, tín hiệu Wi-Fi "có thể đóng vai trò thay thế phổ biến" cho các hệ thống đắt tiền khác trong việc xác định mọi người trong phòng. Wi-Fi cũng khắc phục cactrở ngại như ánh sáng kém hoặc bị vật thể khác che khuất - điều mà ống kính máy ảnh thông thường gặp phải.
Nhóm cũng kỳ vòng công nghệ mới sẽ sớm được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, nhất là chăm sóc sức khỏe. "Thực tế, hầu hết hộ gia đình đều đã có Wi-Fi ở nhà. Công nghệ này có thể được mở rộng cho mục đích theo dõi sức khỏe của người cao tuổi hoặc xác định các hành vi đáng ngờ ở nhà", nhóm cho biết.
(theo Vice)