Chứng khoán

Nhìn lại những sự kiện ‘thiên nga đen’ với chứng khoán Việt Nam

Tóm tắt:
  • Chứng khoán Việt Nam trải qua 25 năm phát triển với nhiều biến cố bất ngờ, gọi là "thiên nga đen".
  • Các sự kiện như căng thẳng Biển Đông và đại dịch COVID-19 đã gây ra cú sốc lớn cho VN-Index.
  • Năm 2015, VN-Index giảm mạnh do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
  • Năm 2022, khủng hoảng niềm tin từ các vụ việc nội bộ khiến VN-Index giảm mạnh, mất đi sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân.
  • Nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm thế và cơ chế ứng phó linh hoạt để vượt qua các khủng hoảng trong thị trường đầy biến động.

Từ các xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, đại dịch toàn cầu đến khủng hoảng niềm tin trong nước, mỗi biến cố đều để lại những bài học sâu sắc về mức độ nhạy cảm và sức chịu đựng của thị trường tài chính Việt Nam.

Lùi về tháng 5/2014, sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã tạo nên một cú sốc địa chính trị chưa từng có. Căng thẳng tại Biển Đông lập tức kích hoạt làn sóng bán tháo trên thị trường.

Ngày 8/5/2014, VN-Index giảm gần 6%, đánh dấu một trong những phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cổ phiếu nhóm dầu khí, vận tải và cả các mã phòng thủ cũng đồng loạt bị bán tháo.

Hơn một năm sau đó, tháng 8/2015, thị trường Việt Nam lại hứng chịu đợt bán tháo lớn khi Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ mạnh nhất trong hơn 20 năm. Lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang giảm tốc mạnh khiến giới đầu tư quốc tế ồ ạt rút vốn khỏi các thị trường mới nổi. Tại Việt Nam, phiên 24/8/2015 được nhớ đến như một “thứ Hai đen tối” khi VN-Index mất 5,28%, gần như xóa sạch thành quả tăng trưởng từ đầu năm.

Bước sang năm 2018, thị trường khởi đầu với đầy kỳ vọng khi VN-Index lần đầu tiên chạm ngưỡng 1.200 điểm. Nhưng cũng trong năm đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, gây ra một chuỗi phản ứng tiêu cực trên khắp các thị trường chứng khoán. Việt Nam, với vai trò là quốc gia có độ mở kinh tế cao, chịu tác động nặng nề từ dòng vốn rút ra của nhà đầu tư nước ngoài.

Tính riêng trong quý II/2018, VN-Index mất gần 18% giá trị – quý có mức giảm mạnh nhất trong một thập kỷ. Đà điều chỉnh sâu không chỉ do yếu tố bên ngoài, mà còn là hiệu ứng domino từ tâm lý hoảng loạn lan rộng trên sàn HOSE.

Thế nhưng cú rơi mang tính lịch sử nhất chỉ diễn ra hai năm sau đó, khi đại dịch COVID-19 ập đến. Vào tháng 3/2020, khi số ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh tại Việt Nam sau thời gian kiểm soát tốt, thị trường đã không còn giữ được sự kiên nhẫn. Ngày 9/3/2020, VN-Index giảm 6,28% – mức giảm theo phiên mạnh nhất kể từ năm 2001.

Trong làn sóng bán tháo này, các cổ phiếu bluechip và nhóm ngân hàng bị rút vốn nhanh chóng. Sự hỗn loạn không chỉ xuất hiện trên bảng điện tử, mà còn lan rộng đến tâm lý xã hội, khi nhà đầu tư chuyển sang trạng thái phòng thủ tuyệt đối, bỏ qua mọi yếu tố cơ bản.

Sau khi hồi phục ấn tượng nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và dòng tiền cá nhân trong nước, thị trường lại bước vào một đợt khủng hoảng mới – lần này đến từ chính bên trong. Năm 2022, loạt vụ việc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, thao túng giá cổ phiếu và bắt giữ các lãnh đạo doanh nghiệp lớn như Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát, Louis Holdings… đã gây ra khủng hoảng niềm tin trên diện rộng. VN-Index từ vùng đỉnh 1.500 điểm rơi về dưới 1.100 điểm chỉ trong vòng ba tháng.

Dòng tiền margin bị siết, thanh khoản rơi xuống đáy, và lần đầu tiên sau nhiều năm, thị trường mất đi sự tham gia tích cực của khối nhà đầu tư cá nhân. Đây không phải là sự kiện quốc tế, mà là một “thiên nga đen” đến từ cấu trúc chưa hoàn thiện của chính thị trường.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi chứng khoán Việt Nam lại đối mặt với sự kiện “thiên nga đen” đầu tháng 4 giống như kịch bản của năm 2018, 2022 và 2025. Phiên giao dịch ngày 3/4/2025 đánh dấu một cú sốc mới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. VN-Index lập tức rơi tự do 82,28 điểm chỉ trong phiên sáng, tương đương mức giảm 6,24% – nằm trong top các phiên giảm mạnh nhất lịch sử.

Tác động từ chính sách này đến nền kinh tế vẫn còn nhiều bàn luận đa chiều. Song, nếu nhìn ở một khía cạnh tích cực, t những sự kiện như căng thẳng Biển Đông, phá giá đồng Nhân dân tệ, chiến tranh thương mại, đại dịch toàn cầu đến những cú sốc nội tại như vừa nêu, các “thiên nga đen” đã liên tục xuất hiện và thử thách độ bền của thị trường chứng khoán Việt Nam. Mỗi biến cố là một phép thử khắc nghiệt, nhưng cũng là cơ hội bởi chứng khoán Việt Nam thường tăng mạnh sau đó.

Nhìn khách quan, không ai có thể đoán trước được sự xuất hiện của một “thiên nga đen” mới. Việc nhà đầu tư chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và cơ chế ứng phó linh hoạt chính là chìa khóa giúp họ và toàn thị trường vượt qua khủng hoảng. Thay vì tìm cách né tránh rủi ro, nhà đầu tư cần học cách sống chung và thích nghi trong một thế giới đầy biến động,

Sự kiện "thiên nga đen" là gì?

Trong thị trường tài chính, “thiên nga đen” (Black Swan) là thuật ngữ dùng để chỉ những sự kiện hiếm gặp, bất ngờ và có tác động sâu rộng đến hệ thống tài chính hoặc nền kinh tế. Khái niệm này được phát triển bởi nhà tư tưởng Nassim Nicholas Taleb và được định nghĩa qua ba yếu tố: thứ nhất, đó là sự kiện không thể dự đoán trước bằng các mô hình hay dữ liệu quá khứ; thứ hai, khi xảy ra, nó tạo ra hậu quả nghiêm trọng như làm sụp đổ thị trường, mất thanh khoản, hay suy thoái kinh tế; và thứ ba, sau khi diễn ra, người ta thường lý giải sự kiện đó như thể đã hiển nhiên từ đầu – phản ánh hiệu ứng "hồi tưởng muộn". Những ví dụ kinh điển về thiên nga đen trong lịch sử tài chính toàn cầu bao gồm khủng hoảng tài chính 2008, đại dịch COVID-19, hay sự kiện ngày 11/9 tại Mỹ. Đối với thị trường Việt Nam, các biến cố như vụ giàn khoan Hải Dương 981 (2014), cú sốc COVID-19 (2020) hay khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 đều mang đặc điểm của một “thiên nga đen”, để lại hậu quả nặng nề và làm thay đổi hành vi đầu tư trên diện rộng.

Các tin khác

Trở lại ngôi vị giàu nhất thế giới, Elon Musk nắm giữ khối tài sản kỷ lục

Sau hai năm xếp thứ hai, Elon Musk chính thức giành lại vị trí người giàu nhất hành tinh trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2025. Không chỉ sở hữu khối tài sản kỷ lục 342 tỷ USD, Musk còn vươn lên thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng chính trị lớn tại Mỹ, trở thành cố vấn thân cận của Tổng thống Donald Trump

Chubb Life cập nhật giá đơn vị Quỹ Liên kết Đơn vị - Sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động

Sản phẩm Bảo hiểm Liên kết Đơn vị - Kế hoạch Tài chính Chủ động được thiết kế với các tính năng ưu việt nhằm đáp ứng đồng thời cả hai nhu cầu: Bảo vệ và Đầu tư. Với thông điệp “Đầu tư vững tâm – Bảo vệ vững vàng”, sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động góp phần hoàn thiện danh mục giải pháp tài chính toàn diện của Chubb Life Việt Nam trên hành trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ người trụ cột và gia đình Việt.