Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khởi đầu năm 2024 khá thuận lợi. Tính từ đầu năm đến 26/6, VN-Index đã tăng khoảng 12%, có lúc vượt 1.300 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn hóa lớn tăng tốc trong khoảng 2 tháng đầu năm, sau đó đến lượt nhóm vốn hóa vừa và nhỏ giúp tâm lý lạc quan lan tỏa khắp thị trường.
Thống kê gần 1.600 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên ba sàn HOSE, HNX và UPCoM từ đầu năm đến 26/6 (không kể các mã niêm yết mới/đăng ký giao dịch sau 1/1/2024), số lượng tăng giá chiếm áp đảo với 60%, so với 30,5% mã giảm và 9,5% mã đi ngang. Nhóm tăng giá (với 955 mã) có mức tăng bình quân 32,6%.
Trong đó, 50 cổ phiếu đạt mức tăng trưởng cao hơn 100%. Nhóm này có tỷ lệ tăng bình quân 172%. Các cổ phiếu dẫn đầu kể đến HFX (+532%), CDH (+484%), CID (+353%), LIV (+327%), VGI (+306%), GGG (+235%)... Giả định nhà đầu tư mua các cổ phiếu trong nhóm này từ đầu năm, danh mục sẽ có mức sinh lời gấp hàng chục lần nếu so sánh với các kênh đầu tư tài chính khác trong cùng khoảng thời gian.
Sóng cổ phiếu công nghệ, viễn thông, hàng không, hóa chất
Sóng cổ phiếu theo ngành là một trong những diễn biến thường thấy trên thị trường chứng khoán, khi các đại diện cùng lĩnh vực đồng pha tăng hoặc giảm trước một thông tin hay diễn biến kinh doanh chung (của ngành đó).
Từ đầu năm, dòng tiền có xu hướng rót vào kênh chứng khoán và liên tục luân chuyển qua những nhóm ngành có câu chuyện. Từ đó loạt cổ phiếu trong ngành đã diễn biến khả quan. Đầu năm đó là sự bứt phá của nhóm ngân hàng với động lực phục hồi kinh tế chung, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng, các câu chuyện về vốn... Tuy nhiên, đà tăng của nhóm cổ phiếu bank đã chững lại trong quý II.
Nhóm ngành công nghệ thông tin - viễn thông ghi nhận tích cực trong nửa đầu năm. Đây vẫn là lĩnh vực được đánh giá tăng trưởng dài hạn và ít chịu ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế. Hơn nữa, các kỳ vọng hợp tác mới với các các đơn vị có tên tuổi như Nvidia cũng là một yếu tố xúc tác.
Cổ phiếu của Tập đoàn FPT và các thành viên như FOX, FOC, FRT, FTS đều tăng trưởng khả quan nửa đầu. Trong đó cổ phiếu của CTCP Viễn thông FPT (mã: FOX) đạt mức tăng 113%, gia nhập nhóm cổ phiếu “ba chữ số”.
“Họ Viettel” cũng tích cực với những VGI, VTR, VTP, VTK. Trong đó, VGI đã gấp 4 lần thị giá, đưa vốn hóa lên trên 325.000 tỷ đồng, xếp top 2 toàn thị trường (chỉ sau Vietcombank). VTK tăng giá 173%, cũng lọt vào nhóm diễn biến khả quan nhất.
Một thành viên của MobiFone là Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone (Mã: MFS) ghi nhận mức tăng giá cổ phiếu 145%. GLT của Kỹ thuật điện Toàn Cầu cũng gấp đôi thị giá sau nửa năm.
Lĩnh vực hàng không ghi nhận xu hướng hồi phục kinh doanh khi nhu cầu đi lại, vận chuyển tăng trưởng trở lại như thời kỳ trước dịch. Hai cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines và ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam tăng tốt nhất nhóm này với lần lượt 180% và 94%.
Các trường hợp khác kể đến như HHV, PAC, VFG của nhóm ngành hóa chất – phân bón, hay MVN, VNA, VLG, SAC thuộc lĩnh vực vận tải biển - cảng biển.
Hoạt động mua bán vốn của cổ đông lớn, người nội bộ
Một động lực khác đến từ việc mua bán cổ phần của cổ đông lớn, người nội bộ và bên liên quan. Điều này thường bắt gặp ở các cổ phiếu có thanh khoản trung bình và thấp.
Ví dụ tại Dược phẩm Hà Tây (Mã: DHT), từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024, cổ đông chiến lược ASKA Pharmaceutial tiếp tục gom vào hơn 10 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên sát 36% vốn. Hoạt động mua vốn của tổ chức Nhật Bản đã diễn ra nhiều năm.
Một người nội bộ là ông Lê Tuấn Việt, Phó Tổng Giám đốc của Dược phẩm Hà Tây, cũng gom vào 500.000 cp.
Thông thường các giao dịch lớn sẽ thực hiện theo phương thức thỏa thuận, song vẫn có những trường hợp mua trên sàn. Khi đó, với thanh khoản thấp, cổ phiếu thường có xu hướng đi lên. Trên sàn HNX, cổ phiếu DHT đã ghi nhận tăng giá 129% kể từ đầu năm. Nếu tính từ 2023 đến nay, thị giá đã gấp gần 4 lần.
Hay tại CTCP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu Mỏ (Mã: APP), cơ cấu cổ đông lớn và cổ đông nội bộ liên tục biến động kể từ đầu năm. Cùng với đó, cổ phiếu chứng kiến gấp 3 lần sau nửa năm. Diễn biến này xảy đến bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ năm 2023 kéo dài qua quý I/2024.
"Game" niêm yết
Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thường bắt gặp việc cổ phiếu tăng giá mạnh trước thời điểm niêm yết. Hoạt động niêm yết được cho là đem về nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tăng mặt vị thế, hình ảnh và cơ hội huy động vốn từ thị trường.
Diễn biến tăng giá trước khi niêm yết vô hình sẽ tác động đến giá chào sàn trong tương lai, khi giá tham chiếu phiên đầu tiên được xác định một phần dựa trên lịch sử giao dịch gần nhất (ví dụ từ UPCoM chuyển sang niêm yết HOSE sẽ xem xét giá giao dịch lúc còn ở UPCoM).
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Masan Consumer (Mã: MCH) đã thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu. Trên thị trường UPCoM, MCH đã tăng 153% từ đầu năm, lên 221.000 đồng/cp. Vốn hóa Masan Consumer đã vượt 6 tỷ USD, cao hơn cả của Masan Group (Mã: MSN) và loạt thành viên đang niêm yết (NET, VCF, MSR) cộng lại.
Trường hợp tăng giá khác là MCM của Mộc Châu Milk. MCM có mức tăng 33% kể từ đầu năm đến trước khi ngừng giao dịch trên UPCoM. Cổ phiếu của doanh nghiệp sữa lâu đời nhất Việt Nam vừa chính thức đưa vào giao dịch sàn HOSE ngày 25/6, với giá tham chiếu 42.800 đồng/cp.
Một số doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết và đang chờ HOSE chấp thuận như Gelex Electric (Mã: GEE) hay Chứng khoán DSC (Mã: DSC) cũng ghi nhận diễn biến tăng giá cổ phiếu.
Tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt hấp dẫn
Bên cạnh kết quả kinh doanh tăng trưởng, việc một doanh nghiệp chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao luôn thu hút nhà đầu tư chứng khoán. Lý do là cổ tức bằng tiền mặt mang lại nguồn thu nhập, dòng tiền cho nhà đầu tư. Điều này cho thấy doanh nghiệp có sức khỏe về tài chính. Cổ phiếu của doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt tốt cũng thường mang lại lợi nhuận cao hơn trong dài hạn so với trường hợp không trả cổ tức.