Nhịn ăn gián đoạn là một trong những hình thức ăn kiêng phổ biến được nhiều người áp dụng trong vài năm trở lại đây. Đây là thuật ngữ mô tả chế độ ăn uống và nhịn ăn có chu kỳ. Phương pháp giúp cơ thể có đủ thời gian tiêu thụ thức ăn hoàn toàn, đồng thời giới hạn nghiêm ngặt lượng calo dung nạp.
Có hai hình thức nhịn ăn gián đoạn: hạn chế thời gian ăn trong ngày (ăn từ 6-8 giờ và nhịn ăn trong 16-18 giờ còn lại) hoặc nhịn ăn liên tục trong vòng 16 đến 24 giờ, hai lần một tuần.
Khác với những xu hướng ăn kiêng nổi tiếng, bị thổi phồng trên mạng xã hội, nhịn ăn gián đoạn được nhiều chuyên gia ủng hộ, có nghiên cứu về lợi ích rõ ràng. Chế độ này được một số bác sĩ khuyến nghị cho người bệnh tiểu đường tuýp 2, hoặc người cần giảm cân.
Cơ chế hoạt động của nhịn ăn gián đoạn
Trong quá trình trao đổi chất, cơ thể làm việc tích cực để chuyển hóa lượng thực phẩm thành nguồn năng lượng ổn định. Ví dụ, trái cây được phân hủy thành các chất dinh dưỡng vĩ mô và vi lượng, thông qua enzym tiêu hóa. Carbohydrate như gạo và các loại rau giàu tinh bột được phân hủy thành glucose, hấp thụ vào máu và tạo năng lượng nhanh, với sự trợ giúp của insulin.
Khi tế bào không sử dụng tất cả glucose từ thực phẩm, nó sẽ được lưu trữ trong gan và cơ dưới dạng glycogen. Ở trạng thái dư thừa calo, tất cả năng lượng còn lại sẽ được lưu trữ trong các tế bào mỡ, dưới dạng chất béo.
Giữa các bữa ăn, cơ thể sử dụng glycogen và một số chất béo dự trữ để làm năng lượng. Một khi nguồn dự trữ này cạn kiệt (thường là từ 12-36 giờ sau bữa ăn cuối cùng), cơ thể bắt đầu phân hủy nhiều chất béo hơn để tạo năng lượng.
Việc nhịn ăn gián đoạn cuối cùng khiến cơ thể trải qua tình trạng ketosis và chuyển hóa sang phân hủy chất béo, sử dụng axit béo dự trữ thay vì glycogen để tạo năng lượng.
Nhược điểm của nhịn ăn gián đoạn
Theo các chuyên gia, nhịn ăn gián đoạn vẫn có thể dẫn đến tăng cân. Nhịn đói trong thời gian dài có thể khiến một số người ăn uống vô độ sau đó. Việc ăn nhiều calo hơn nhu cầu cơ thể khiến lượng mỡ tăng lên, ngay cả sau chu kỳ nhịn ăn liên tục 12 đến 16 giờ mỗi ngày.
Nhịn ăn trong thời gian dài có thể làm giảm lượng đường huyết, gây ra cảm giác choáng váng, chóng mặt, đau đầu và buồn nôn.
Các chuyên gia khuyến cáo người mắc bệnh nền cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử phương pháp nhịn ăn gián đoạn. Người bị tiểu đường tuýp 1 và đang điều trị tiểu đường rất có thể gặp phản ứng không mong muốn khi thực hiện chế độ ăn này.
Việc hạn chế lượng thức ăn dung nạp có thể gây ra tình trạng rối loạn ăn uống. Không ăn đủ calo mỗi ngày phù hợp với nhu cầu của bản thân có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng, giảm khả năng miễn dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Lợi ích của việc nhịn ăn gián đoạn
Một số nghiên cứu cho thấy nhịn ăn gián đoạn có thể giúp giảm cân, cải thiện trí nhớ và hoạt động tinh thần, sức khỏe tim mạch, bệnh tiểu đường tuýp 2. Đây cũng là phương pháp hỗ trợ điều trị ung thư.
Dù phần lớn nghiên cứu đến nay thực hiện trên động vật, dữ liệu lâm sàng mới cho kết quả đầy hứa hẹn, đặc biệt liên quan đến khả năng giúp giảm cân và cải thiện một số triệu chứng mạn tính như tiểu đường và tim mạch.
Nhịn ăn gián đoạn cũng giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, ổn định lượng đường trong máu. Kết quả của một phân tích vào năm 2018 cho thấy bệnh tiểu đường loại 2 của ba bệnh nhân đã thuyên giảm và được phép ngừng sử dụng insulin sau một thời gian nhịn ăn gián đoạn.
Nhịn ăn gián đoạn có thể giúp giảm cholesterol xấu (LDL), giảm mức chất béo trung tính ở cả người khỏe mạnh và người bị thừa cân. Phương pháp tăng cường sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa bệnh tim, giúp phục hồi sau cơn đau tim.
Việc giảm calo, điều chỉnh trao đổi chất do nhịn ăn gián đoạn cũng có thể giúp giảm nhịp tim khi nghỉ ngơi, cải thiện sự giãn mạch và lưu lượng máu.
(Theo Time, Trifecta Nutrition)