Theo báo cáo thường niên năm 2022 vừa được công bố, Vietnam Airlines có tổng cộng 15 công ty con và 4 công ty liên kết, hoàn toàn hoạt động trong lĩnh vực hàng không, cung cấp dịch vụ hàng không liên quan. Tổng giá trị thực góp của hãng hàng không quốc gia vào các công ty thành viên này là hơn 8.198 tỷ đồng.
Năm 2022, 19 công ty thành viên đem về cho Vietnam Airlines tổng doanh thu hơn 43.082 tỷ đồng, trong đó 4 công ty đem về trên nghìn tỷ đồng là Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec) với 32.940 tỷ, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) là 2.066 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) thu về 1.588 tỷ đồng và công ty liên kết CTCP Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) có doanh thu 1.728 tỷ đồng.
Xét về lợi nhuận trước thuế , hầu hết các công ty trong hệ sinh thái đều có lãi, ngoại trừ CTCP Hàng không Pacific Airlines với số lỗ 2.096 tỷ đồng.
Còn nếu xét về tỷ suất lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu (ROE), nhiều công ty có mức sinh lời trên 100% như CTCP Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (425%), Công ty TNHH Giao Nhận Hàng Hóa Vinako (341%) CTCP Dịch vụ Giao nhận hàng hoá Tân Sơn Nhất (gần 184%), Sabre Việt Nam (110%).
Một số công ty có kết quả năm 2022 nổi bật, chẳng hạn Skypec được ví như là "gà đẻ trứng vàng" của Vietnam Airlines, mang về khoảng doanh thu lớn nhất trong các công ty cùng hệ sinh thái năm 2022 với 32.940 tỷ đồng, lãi trước thuế 281 tỷ.
Những năm gần đây, Skypec duy trì có lãi. Theo kế hoạch, Vietnam Airlines có ý định bán 100% vốn của Skypec cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhằm hỗ trợ tái cơ cấu cho hãng hàng không quốc gia và phát triển năng lực của PVN trong chuỗi sản xuất, cung ứng xăng dầu.
Một công ty khác có doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng năm 2022 là Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO). Công ty này có vốn điều lệ 1.093 tỷ đồng, do Vietnam Airlines sở hữu 100% vốn.
VAECO chuyên cung ứng các dịch vụ ngoại trường, bảo dưỡng nội trường, cung ứng phụ tùng vật tư, bảo dưỡng nội thất cho cả máy bay thân hẹp và thân rộng. VAECO còn sở hữu Trung tâm đào tạo, dạy những khóa đào tạo về máy bay, trang thiết bị mặt đất, huấn luyện an ninh hàng không…
Nhóm dịch vụ hàng hóa cũng đem về kết quả kinh doanh nổi trội năm 2022. Chẳng hạn CTCP Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất ghi nhận doanh thu 916 tỷ đồng và lãi 549 tỷ, ROE đạt tới 425%.
Tương tự, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Mã: NCT) có doanh thu 754 tỷ và lãi trước thuế 297 tỷ đồng, tức cứ 2,5 đồng doanh thu sẽ tạo ra 1 đồng lợi nhuận. ROE cũng lên tới 90,6%.
CTCP Cho thuê Máy bay Việt Nam (VALC) đang công ty cho thuê máy bay duy nhất tại Việt Nam, do Vietnam Airlines nắm 32,48% vốn điều lệ. Bên cạnh việc cho thuê, công ty này còn bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng cho máy bay. Doanh nghiệp chỉ thực hiện mua lại các máy bay sau đó cho hãng hàng không quốc gia thuê lại và đưa vào sử dụng.
Năm 2022, VALC ghi nhận doanh thu 72 triệu USD (khoảng 1.728 tỷ đồng) và lãi trước thuế 21,8 triệu USD (khoảng 523 tỷ), tăng lần lượt 4% và 38% so với năm 2021.
Trong khi đó, Pacific Airlines - do Vietnam Airlines nắm 98,84% vốn, lỗ trước thuế 2.096 tỷ đồng, là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm thành viên thua lỗ. Tuy nhiên mức lỗ này đã giảm 212 tỷ đồng so với năm 2021.
Phía Vietnam Airlines cho biết năm 2022, thị trường hàng không nội địa bắt đầu phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên thị trường hàng không quốc tế chưa khôi phục được như kỳ vọng do nhiều thị trường trọng điểm vẫn còn đóng cửa hoặc mở cửa hạn chế.
Bên cạnh đó giá nhiên liệu tăng cao, tỷ giá biến động mạnh đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của Pacific Airlines.
Trước tình hình hết sức khó khăn của Pacific Airlines, Vietnam Airlines cho biết tiếp tục triển khai những giải pháp phối hợp nguồn lực, đàm phán với nhà cung cấp việc giãn/hoãn thanh toán, hỗ trợ giảm giá nhằm giúp hãng này vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Năm 2022, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc tiếp nhận số cổ phần tại Pacific Airlines do cổ đông Qantas cho tặng, nâng tổng số cổ phần sở hữu của Vietnam Airlines từ 68,85% lên 98,84% vốn điều lệ.