Cuộc đua lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong những ngày đầu tháng 10, một số ngân hàng đã tiếp tục có quyết định tăng lãi suất huy động, có ngân hàng tăng lãi suất hai lần trong vòng nửa tháng.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) thông báo áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 6/10 với điều chỉnh tăng 0,3%/năm ở nhiều kì hạn.
Với lãi suất tiết kiệm gửi tại quầy, tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tăng từ 5,8-6,6%/năm lên 6,1-6,9%/năm với các mức tiền gửi từ dưới 300 triệu đồng đến 50 tỷ đồng trở lên. Lãi suất tại kỳ hạn 12 tháng cũng tăng 0,3%/năm ở các mức tiền gửi. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 36 tháng cũng tăng 0,3 điểm % lên 7-7,8%/năm.
Mức lãi suất cao nhất áp dụng tại VPBank khi gửi tại quầy là 7,8%/năm tại kỳ hạn 36 tháng khi gửi từ 50 tỷ đồng trở lên.
Với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất tại các kỳ hạn cũng tăng 0,3%/năm tại các kỳ hạn. Trong đó tại kỳ hạn 6 tháng lãi suất tăng lên 6,3-7,1%/năm, lãi suất tại kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6,7-7,5%/năm và lãi suất kỳ hạn 36 tháng tăng lên 7,2-8% tại kỳ hạn 36 tháng với các mức tiền gửi từ dưới 300 triệu đồng đến 50 tỷ đồng trở lên.
Trước đó, VPBank đã thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động áp dụng từ ngày 24/9 tăng từ 0,5 - 1 điểm % tại một số kỳ hạn.
Bên cạnh đó, Techcombank cũng có sự điều chỉnh lãi suất áp dụng từ 7/10. Lãi suất tại kỳ hạn 1-3 tháng kịch trần ở mức 5%/năm. Tại kỳ hạn 6 tháng lãi suất tối đa ở mức 7,2%/năm, lãi suất tại kỳ hạn tháng niêm yết tối đa ở mức 7,5%/năm tại kỳ hạn 12 tháng
Sacombank cũng thông báo điều chỉnh lãi suất huy động áp dụng từ 6/10. Lãi suất có kỳ hạn truyền thống được điều chỉnh tăng 0,5-0,7%/năm. Tại các kỳ hạn 6-11 tháng, lãi suất ở mức từ 6% trở lên, tại các kỳ hạn 12-36 tháng, lãi suất từ 7% trở lên. Hiện lãi suất cao nhất tại ngân hàng áp dụng cho tài khoản mở tại quầy là 7,5%/năm.
Đối với tài khoản mở trực tuyến, khi gửi tiết kiệm với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, lãi suất ở mức từ 7%/năm. Mức lãi suất cao nhất khi gửi trực tuyến là 8%/năm tại kỳ hạn 36 tháng. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất áo dụng tại ngân hàng hiện nay.
Ngày 8/10, SCB cũng đã điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động tại hầu hết kỳ hạn đối với nhiều sản phẩm.
Cụ thể, với gửi tiết kiệm online, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,95 điểm % từ 6,85%/năm lên 7,8%/năm. Tại kỳ hạn 9 tháng, lãi suất tăng thêm 1 điểm % từ 7%/năm lên 8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng thêm 0,9 điểm % lên 8,2%/năm.
Mức lãi suất tiết kiệm online cao nhất hiện đang áp dụng tại ngân hàng là 8,9%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng, tăng 1,35 điểm % so với con số trước đó là 7,55%/năm.
Các sản phẩm các như chứng chỉ tiền gửi và hình thức gửi tiết kiệm tại quầy cũng được SCB điều chỉnh tăng lên khoảng 1 điểm %.
Chẳng hạn, sản phẩm tiền gửi “Tiết kiệm Phát Lộc Tài” cho khách hàng cá nhân đã tăng lên khoảng 1 điểm% với mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 8,55%/năm tại kỳ hạn 36 tháng trả lãi cuối kỳ. Chứng chỉ tiền gửi cũng tăng lên 8,9%/năm với kỳ hạn 24 tháng.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, hiện tượng một số ngân hàng tăng lãi suất huy động cao tới 9% - 10% chỉ là cục bộ không xảy ra ở hầu hết ngân hàng.
"Các ngân hàng hiện đang vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng, tất nhiên là thanh khoản không còn dồi dào như trước", ông Lực nói.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho biết theo như dự báo, Fed còn tăng 1,75-2,5 điểm % nữa trong vòng từ giờ đến quý I/2023, đồng nghĩa với việc sau đợt tăng lãi suất này, cơ quan điều hành Việt Nam sẽ còn những đợt tăng lãi suất tiếp nữa những mức độ tăng, theo ông Báu, chỉ ở mức 1,5-2%.
Nói cách khác, lãi suất điều hành của Việt Nam sắp tới sẽ tăng nhưng mức độ tăng sẽ không quá mạnh vì giai đoạn tăng lãi suất mạnh nhất đã qua. Chính giai đoạn cuối quý III và đầu quý IV này mới là giai đoạn mà chúng ta sẽ chứng kiến lãi suất tăng rất mạnh trên mọi mặt trận.