Ngày 25/10, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh biên lãi suất huy động thêm 1 điểm % chủ yếu tại các kỳ hạn ngắn sau động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng thêm 1,4-1,5 điểm % lên 5,6-6%/năm đối với hình thức gửi tại quầy. Với các kỳ hạn từ 6-11 tháng, lãi suất huy động tăng từ mức 5,8-6,3%/năm lên 7-7,25%/năm.
Đối với kênh online, lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn 1-5 tháng đều được áp dụng mức lãi suất kịch trần là 6%/năm. Đối với kỳ hạn dài hơn, lãi suất tăng khoảng 1,2-1,5 điểm % so với trước đây. Theo đó, tiền gửi kỳ hạn 6 tháng sẽ có mức lãi suất là 7,5%/năm; 9 tháng là 7,65%/năm và 11 tháng là 7,75%/năm.
Tương tự tại Ngân TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), với hình thức gửi tại quầy, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-6 tháng đều tăng thêm 1,3 điểm %, từ mức 4-6,1%/năm lên 5,6-7,4%/năm.
Lãi suất tại các kỳ hạn dài hơn cũng có mức tăng tương tự, lên 7,4%/năm đối với kỳ hạn từ 7-11 tháng, 7,5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng, và 7,75%/năm với kỳ hạn từ 18-36 tháng. Đối với tiền gửi online, lãi suất kỳ hạn từ 1-5 tháng đều được đưa lên mức trần 6%/năm.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) mới đây cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lên mức kịch trần. Tại kỳ hạn từ 1-5 tháng, lãi suất huy động tăng thêm 1 điểm % từ 5%/năm lên kịch trần 6%/năm. Với kỳ hạn dài hơn, ngân hàng điều chỉnh khoảng 0,6-0,8 điểm % so với hồi đầu tháng.
Một số nhà băng khác cũng cộng thêm khoảng 1 điểm % lãi suất có thể kể đến như VIB, NCB, LienVietPostBank, SeABank, OCB và OceanBank.
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng khi các yếu tố trong và ngoài nước đều không thuận lợi, NHNN đã thực hiện tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % trước kỳ họp của Fed vào tháng 11 trong ngày 24/10. CTCP Chứng khoán SSI cho rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 0,5-1 điểm % nữa về cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn.
Đồng quan điểm Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo lãi suất huy động sẽ tăng 1-1,5%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8% trong các tháng cuối năm 2022 do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường 1 chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng, sẽ buộc các NHTM nâng lãi suất huy động; và nhu cầu tiền mặt mùa cao điểm, Tết Nguyên Đán tăng cao vào cuối năm sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.