Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, Bộ phận phân tich Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng điểm đáng chú ý nhất trong mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay là tờ trình về việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng của MB và Vietcombank, theo đó hai ngân hàng này cũng sẽ có một số các lợi ích nhất định ví dụ như tăng trưởng tín dụng cao hơn.
VPBank và HDBank cũng có tờ trình ủy quyền cho HĐQT xem xét tham gia chương trình tái cơ cấu NHTM theo chủ Trương của NHNN. Tuy nhiên, thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố.
Do hầu hết ngân hàng đã gần chạm hạn mức tín dụng được NHNN cấp ban đầu vào cuối quý I/2022, chuyên gia cho rằng Vietcombank và MB có thể sẽ có một số lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác trong vài tháng tới.
Bên cạnh đó, kế hoạch tăng vốn điều lệ được trình tại hầu hết các ngân hàng, ngoại trừ Sacombank và Techcombank. Việc tăng vốn điều lệ sẽ được hoàn thành thông qua việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu (dao động từ 11,9%-50%) và kế hoạch phát hành cổ phiếu mới (BIDV, LienVietPostBank, VPBank, SHB và MB).
Ngoài ra, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 ở hầu hết các ngân hàng khá khả quan (trung bình tăng 31% so với cùng kỳ) bất chấp xu hướng tăng của lãi suất huy động và việc siết trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản của Chính phủ.
VietinBank, Vietcombank và Techcombank đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế thận trọng nhất – tăng trưởng dưới 20% so với cùng kỳ.
Nhóm phân tích cho rằng Techcombank đã tính đến tác động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp kém sôi động hơn trong năm 2022 vào kế hoạch.
Còn đối với VietinBank và Vietcombank, việc đặt kế hoạch thận trọng là thông lệ thường thấy trong những năm gần đây. Theo quan điểm của SSI, các ngân hàng này có khả năng cao sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra tại ĐHCĐ.
Trong khi đó, VPBank, SHB và BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh lần lượt đạt 51% đến 103% so với cùng kỳ nhờ phí bancassurance trả trước (đối với VPBank) và áp lực dự phòng giảm mạnh (đối với BIDV & SHB).