Ngày 18/7/2022, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay đã gửi công văn đến Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an về việc các cá nhân (được cho là từ các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng cá nhân) quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thủy sản.
Cụ thể, VASEP đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp thành viên về việc lãnh đạo bị quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ công khai (qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội…) từ các cá nhân không quen biết, được cho là từ các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng cá nhân, ảnh hưởng nặng nề và tiêu cực đến các doanh nghiệp, tâm lý lãnh đạo cũng như trật tự xã hội.
Theo thông tin tìm hiểu ban đầu, trong hơn hai năm qua, dịch vụ vay tiêu dùng nhanh có dấu hiệu thịnh hành ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt tại Đồng bằng sông cửu long, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các công ty, tổ chức tín dụng cho vay cá nhân thông qua “App” trên smartphone hoặc chỉ cần một cú nhấp chuột, với nhiều thông tin quảng cáo hấp dẫn, lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của người lao động để dụ dỗ, lôi kéo cho vay.
Nhưng nhiều trường hợp người lao động sau đó rơi vào nợ nần hoặc chậm trả vì nhiều lý do là nguồn cơn để “xuất hiện các cá nhân” gây áp lực đòi nợ, đe dọa tới không chỉ người lao động đó, các người thân, bạn bè mà đặc biệt là tới lãnh đạo các doanh nghiệp nơi người lao động làm việc.
Các đối tượng đe doạ bằng những lời nói và cách thức quấy nhiễu, xúc phạm kém văn minh nhất khi mà bản thân lãnh đạo doanh nghiệp không hề biết và không liên quan đến giao dịch dân sự vay hay cho vay kia.
Khi các công nhân, người lao động không trả được nợ, các cá nhân (được cho là từ các công ty, tổ chức tín dụng cho vay) đã thực hiện gọi điện và nhắn tin liên tục, đe dọa, quấy nhiễu, chửi bới đến Ban giám đốc, công đoàn đến các phòng ban của công ty mà người lao động đang làm việc.
Ngoài ra, các cá nhân trên còn lên các mạng xã hội bôi nhọ công ty, cắt ghép hình ảnh của lãnh đạo công ty và lan truyền như đang truy tìm đối tượng lừa đảo, thậm chí tung tin lãnh đạo công ty đã chết….
Mặc dù thời gian qua, các doanh nghiệp đều đã phản ánh, báo cáo sự việc tới chính quyền tại các địa phương song vấn nạn vẫn ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn. Với những lý do này, VASEP đã đề nghị Cục An ninh Kinh tế hỗ trợ giải quyết cũng như hướng dẫn cụ thể cho Hiệp hội và doanh nghiệp về cách thức và địa chỉ báo cáo giải quyết vấn nạn nghiêm trọng này.
Nhức nhối nạn tín dụng đen
Tại buổi đối thoại với công nhân của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra vào sáng 12/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết Bộ Công an đã dẹp bỏ được nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động tín dụng đen dưới nhiều hình thức, đã giảm nhiều câu chuyện đau lòng nhưng tín dụng đen hiện vẫn đang diễn ra tại một số địa phương.
"Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã cùng Bộ Công an nghiên cứu vì sao tín dụng đen vẫn có đất để tồn tại. Điều này xuất phát từ hai phía, trước hết là vẫn còn nhu cầu vay vốn của người lao động, nhất là vùng sâu, xa, vùng khó khăn, từ đó dẫn đến khi có cầu ắt có cung, tín dụng đen có đất để hoành hành," ông Tú nói.
Lãnh đạo NHNN cho biết đã chỉ đạo hai công ty thuộc hai ngân hàng thương mại lớn: FE Credit là công ty tài chính thuộc ngân hàng VPBank và Công ty thuộc HDBank cam kết mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay đến tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân".