Người tiêu dùng trên thế giới hiện vẫn đang mua áo thun Ralph Lauren hay giày của Jimmy Choo, chính vì vậy các nhãn hàng này xả được hàng tồn kho và vẫn có doanh thu cao hơn nhiều hãng khác trong năm nay.
Theo Wall Street Journal, trong ngày thứ Ba, Ralph Lauren công bố doanh thu trong quý 1/2022 tăng 8% và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng 11% trong quý tài khóa thứ 2. Tập đoàn Capri Holdings sở hữu thương hiệu Versace và Jimmy Choo cũng như Michael Kors công bố doanh thu quý gần nhất tăng 8,5% bất chấp những suy giảm tại Trung Quốc, một thị trường quan trọng của hãng.
Hai hãng bán lẻ khác bao gồm hãng sản xuất giày thể thao Allbirds và Signet Jewelers trong khi đó cảnh báo lạm phát cao sẽ gây tổn hại mạnh đến người tiêu dùng Mỹ. Cổ phiếu của Allbirds hạ hơn 20% còn cổ phiếu của Signet giảm hơn 13% sau khi hai thương hiệu này hạ mục tiêu doanh thu trong năm nay.
CEO của Ralph Lauren, ông Patrice Louvet, công bố thương hiệu này không miễn nhiễm với các yếu tố vĩ mô mà nhiều hãng bán lẻ khác đang gặp phải, tuy nhiên hãng thành công trong việc thu hút nhiều người tiêu dùng trẻ vốn sẵn sàng mua hàng nguyên giá của hãng.
Doanh nghiệp nói đến sự khác biệt rõ ràng giữa những khách hàng vẫn tiếp tục mua hàng nguyên giá và những người thường chỉ viếng thăm cửa hàng giảm giá của hãng, CEO hãng cho biết hãng cảm thấy thận trọng hơn khi mà số lượng những người chỉ thích mua hàng tại đây đang tăng lên: "Thực tế này cho thấy khách hàng đang ngày một thận trọng hơn với các yếu tố lạm phát và tâm lý của người tiêu dùng xấu đi".
CEO của Capri, ông John Idol trong khi đó cho biết bản thân tiêu dùng người dân hiện đang có những yếu tố bất định, tuy nhiên, nhóm người tiêu dùng hàng xa xỉ vẫn chưa chịu ảnh hưởng nặng nề. Ông Idol nói: "Chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ vẫn tiếp diễn trong tương lai".
Nhiều thương hiệu xa xỉ cũng công bố doanh số cao trong năm nay trong khi đó các trung tâm mua sắm và thương mại hoạt động khó khăn bởi người tiêu dùng chật vật trong bối cảnh lạm phát "ăn" vào thu nhập và tiết kiệm của người dân. Cả Ralph Lauren và Capri đều công bố hàng tồn kho tăng cao trong quý gần nhất bởi họ phải nhập nhiều hàng hóa trước thềm dịp nghỉ lễ.
Allbirds hạ dự báo doanh thu và lợi nhuận cho năm nay. Allbirds có được phần lớn doanh thu thông qua hoạt động kinh doanh trực tuyến, Allbirds công bố áp lực giá cả leo thang lên người tiêu dùng Mỹ vẫn tiếp tục trong nửa sau của năm. Allbirds cũng cho biết đang giảm quy mô lực lượng lao động ước khoảng 8%.
Signet, hãng sở hữu hơn 2.800 cửa hàng có các thương hiệu như Zales, Kay và nhiều thương hiệu khác, cũng đã tiến hành giảm dự báo lợi nhuận quý 2 và cả năm nay. Doanh nghiệp công bố sẽ mua lại hãng kinh doanh trang sức Blue Nile với số tiền khoảng 360 triệu USD nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Lạm phát đã không ngừng duy trì ở những ngưỡng cao kỷ lục trong năm nay, chính phủ Mỹ sẽ công bố số liệu lạm phát mới nhất vào ngày thứ Tư. Theo khảo sát của các chuyên gia kinh tế tham gia điều tra của Wall Street Journal, lạm phát thường niên nhiều khả năng hạ nhiệt xuống 8,7% trong tháng 7/2022 từ mức 9,1% của tháng 6/2022.
Công ty nghiên cứu thị trường Adobe Analytics ước tính rằng giá cả hàng hóa trực tuyến hạ nhiệt nhẹ trong tháng 7/2022 trong bối cảnh giá của hàng loạt loại mặt hàng, từ các sản phẩm điện tử cho đến đồ chơi hay may mặc giảm.
Adobe ước tính rằng sau 25 tháng lạm phát, giá cả tiêu dùng trực tuyến nói chung trong tháng 7/2022 giảm 1% so với tháng 7/2021 và thấp hơn 2% so với tháng 6/2022. Tính toán này không bao gồm doanh số bán hàng tại các nhà hàng hoặc việc họ mua khí đốt.