Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức tiền mặt, tỷ lệ cao nhất 40%

Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm:

Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi – Mã: CAV) dự định trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 40%, tức là nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu CAV sẽ được nhận 4.000 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) và ngày thanh toán lần lượt là 27/4 và 17/5.

Cadivi hiện có 57 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi 228 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông. Công ty cổ phần Thiết bị Điện Gelex (Gelex Electric – Mã: GEE) đang sở hữu 96,2% vốn của Cadivi nên sẽ được nhận 219 tỷ đồng trong đợt cổ tức này.

Ngày 8/4 vừa qua, Cadivi đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 và bầu ra 5 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ông Nguyễn Văn Tuấn tiếp tục được bầu làm Chủ tịch HĐQT Cadivi.

Ông Tuấn sinh năm 1984, bắt đầu làm Chủ tịch Cadivi từ tháng 5/2017. Hiện nay, ông Tuấn còn nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp khác như: Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Gelex (Mã: GEX), Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera (Mã: VGC), Chủ tịch HĐQT Gelex Electric (Mã: GEE) và Chủ tịch HĐQT CTCP Hạ tầng Gelex.

Trong đó, Viglacera, Gelex Electric và Hạ tầng Gelex đều là các công ty con của Tập đoàn Gelex.

Cadivi đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 12.079 tỷ đồng trong năm 2022.

Đại hội cổ đông của Cadivi sáng 8/4 cũng thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất là 12.079 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 526 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức là 50%.

Quý I vừa qua, Cadivi ghi nhận doanh thu thuần 2.742 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 119 tỷ, tăng lần lượt 10% và 70% so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Sau một quý, công ty đã thực hiện được khoảng 23% kế hoạch doanh thu cũng như lợi nhuận cả năm.

Cadivi  lãi trước thuế gần 119 tỷ và lãi sau thuế 95 tỷ trong quý I/2022.

Một doanh nghiệp khác trong ngành điện cũng sắp chốt quyền cổ tức bằng tiền mặt là Công ty cổ phần Thiết bị Điện (Thibidi - Mã: THI). Nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu THI sẽ được nhận 2.000 đồng. Ngày GHKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 26/4 và 17/5.

Giống như Cadivi, Thibidi cũng là công ty con của Gelex Electric, tỷ lệ sở hữu là 80,9%. Dự kiến Thibidi sẽ cần chi 97,6 tỷ đồng trong đợt cổ tức tới, Gelex Electric nhận gần 79 tỷ đồng.

Hiện nay Thibidi chưa công bố báo cáo tài chính quý I/2022. Trong năm 2021, công ty đạt doanh thu thuần hợp nhất 2.407 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 93 tỷ, biên lãi thuần đạt 3,87% như thể hiện trong biểu đồ dưới đây. Năm trước đó, Thibidi ghi nhận biên lãi thuần 5,67%. 

 

Hôm 19/4 mới đây, Gelex Electric đã đăng ký mua 4,8 triệu cổ phiếu THI nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại Thibidi lên 90,7%. Thời gian dự kiến giao dịch từ 26/4 đến 25/5.

Ngày 21/4 vừa qua, Thibidi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 85 triệu đồng do vi phạm quy định về công bố thông tin. Cụ thể, Thibidi đã không công bố Giải trình chênh lệnh kết quả kinh doanh (KQKD) của: Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2020, BCTC kiểm toán năm 2019, 2020 và BCTC riêng quý III/2020.

Thibidi còn không công bố thông tin trên trang điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và chậm công bố trên hệ thống của Ủy ban Chứng khoán các tài liệu: Giải trình biến động KQKD của BCTC quý I/2020 và 6 tháng đầu năm 2021.

Công ty chậm công bố thông tin trên hệ thống của Ủy ban Chứng khoán và trang thông tin điện tử của HOSE các tài liệu: Hồ sơ chốt danh sách Đại hội đồng cổ đông năm 2020; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai ngày 31/3/2020; Giải trình biến động lợi nhuận quý IV/2020, quý I/2021; Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 8 ngày 4/10/2021.

Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) có kế hoạch trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 40% và bằng tiền mặt tỷ lệ 10%. Ngày GDKHQ đều là 25/4. Công ty hiện có gần 48,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần phát hành thêm 19,5 triệu cổ phiếu và chi ra 48,8 tỷ đồng tiền mặt để hoàn tất nghĩa vụ với cổ đông.

Phiên giao dịch gần đây nhất (22/4), cổ phiếu HAH giảm kịch sàn còn 98.500 đồng/cp, vốn hóa hiện đạt 4.805 tỷ đồng.

Ngày 21/4, Hải An bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 70 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với các tài liệu: Báo cáo thường niên năm 2020; Thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, và Công văn giải trình thông tin chênh lệch kết quả kinh doanh tại báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2020 so với năm 2019.

Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling – Mã: PVD) dự định trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, tức là nhà đầu tư nắm giữ 10 cổ phiếu PVD sẽ được nhận hai cổ phiếu mới. Ngày GDKHQ là 28/4.

Số cổ phiếu PVD đang lưu hành là hơn 421 triệu đơn vị nên PV Drilling sẽ cần phát hành thêm 84,2 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng lên trên 5.000 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu PVD hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021.

Trong cả ba phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu PVD đều giảm kịch sàn. Bảng thống kê bên dưới cho thấy PVD đã lao dốc hơn 36% trong một tháng qua. Giá PVD hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Nhiều cổ phiếu dầu khí khác cũng sa sút như BSR, OIL, PVS, PVC, ...

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm