Trên góc độ hiệu quả, bên cạnh những doanh nghiệp thu lãi, vẫn có nhiều đơn vị chưa đem về khoản lãi khi tham gia đầu tư chứng khoán, chủ yếu do cổ phiếu giảm giá. Theo đó, đến cuối năm, loạt doanh nghiệp vẫn phải trích lập dự phòng giảm giá đối với khoản đầu tư chứng khoán.
Đơn cử, Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đang trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh với số tiền 39 tỷ đồng. Điểm tích cực là con số lỗ tạm tính đã giảm phân nửa so với thời điểm đầu năm. Doanh nghiệp cá tra chủ yếu nắm 3 cổ phiếu bất động sản gồm NLG, DXS và KBC.
Vietjet (Mã: VJC) vẫn nắm giữ 50 triệu cổ phiếu OIL đến cuối năm. Giá gốc là 990 tỷ đồng và giá trị hợp lý gần 504 tỷ đồng. Khoản dự phòng giảm giá thu hẹp còn 486 tỷ đồng so với 490 tỷ đồng vào đầu năm.
Giá trị đầu tư cuối năm của Nhà Đà Nẵng (Mã: NDN) là 434 tỷ đồng, giảm 8% sau 3 tháng. Danh mục bao gồm các cổ phiếu DGC (103 tỷ đồng), HPG (115 tỷ đồng), MWG (35 tỷ đồng), QTP (8 tỷ đồng), STB (77 tỷ đồng) và các cổ phiếu khác (113 tỷ đồng). So với giá gốc, Nhà Đà Nẵng đang tạm lãi đối với DGC, HPG và lỗ không đáng kể tại MWG, QTP, STB. Khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh cuối kỳ là hơn 37 tỷ đồng.
Theo thống kê, các doanh nghiệp sở hữu danh mục vượt nghìn tỷ đồng tại cuối 2023 kể đến như Pan Group (Mã: PAN), Tập đoàn Masan, Tập đoàn Gelex (Mã: GEX), Tập đoàn Masan (Mã: MSN), Masan Consumer (MCH), Tập đoàn Trí Việt (Mã: TVC), Tập đoàn Real Tech (Mã: KSF), Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Mã: CII), Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC).
Đa phần những cái tên kể trên có mô hình hoạt động là holdings, nên chứng khoán kinh doanh cũng bao gồm nắm giữ cổ phần công ty trong hệ sinh thái hoặc mục đích M&A.
Xét 31 doanh nghiệp có chứng khoán kinh doanh kinh doanh lớn nhất tại cuối quý III/2023, tổng giá trị đầu tư đã tăng 12%, từ khoảng 26.000 tỷ đồng lên trên 29.200 tỷ đồng. Đà tăng phần nhiều đến từ các khoản đầu tư của Tập đoàn Gelex, Tập đoàn Masan và Masan Consumer.
Gelex đang sở hữu lượng chứng khoán kinh doanh trị giá 3.385 tỷ đồng tại cuối năm, tăng 61% so với 3 tháng trước đó. Danh mục bao gồm 590 tỷ đồng trái phiếu, 2.195 tỷ đồng cổ phiếu, chứng khoán kinh doanh và công cụ tài chính khác 600 tỷ đồng. Công ty đang trích lập dự phòng giảm giá 31 tỷ đồng đối với lượng cổ phiếu nắm giữ.
Giá trị đầu tư của Tập đoàn Masan gấp 3,4 lần so với cuối quý III, lên gần 4.200 tỷ đồng cuối năm. Đây toàn bộ là hơn 17 triệu trái phiếu được mua với mục đích kinh doanh trong ngắn hạn.
Số lượng trái phiếu đầu tư tại công ty con Masan Consumer là 13,5 triệu đơn vị, tương ứng với giá gốc gần 2.600 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính của Masan Consumer, đến cuối năm 2023, trái phiếu có thời hạn còn lại đến ngày đáo hạn từ 8 đến 22 tháng và hưởng lãi suất 10-13,78%/năm. Công ty có cam kết từ một bên liên quan sẽ mua lại các trái phiếu này.
Một trường hợp khác, CTCP PVI (Mã: PVI) ghi nhận giá trị chứng khoán kinh doanh tăng 30% trong quý cuối năm, đạt giá gốc 784 tỷ đồng. Đây là lượng cổ phiếu, trái phiếu có giá trị hợp lý 747 tỷ đồng, trích lập dự phòng 37 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp đáng kể khoản đầu tư trong quý cuối năm. Vinhomes (Mã: VHM), công ty con của Vingroup (Mã: VIC), đã thoái toàn bộ gần 600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Một số đơn vị cũng đã bán gần như toàn bộ chứng khoán kinh doanh trong quý cuối năm, kể đến như DNP Holdings (Mã: DNP), Đầu tư và Xây dựng Vina2 (Mã: VC2), Bitagco (Mã: ABS) hay Marseco (Mã: MAC). Nếu cộng chung nhóm này (gồm cả Vinhomes), giá trị thoái vốn đạt gần 1.400 tỷ đồng.
Một quan sát với riêng Marseco, doanh nghiệp đang ghi nhận vay nợ ngắn hạn 9,9 tỷ đồng đối với Công ty Chứng khoán Mirae Asset, gấp 3 lần sau 3 tháng.
Tại diễn biến khác, Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) giảm 25% giá trị đầu tư chứng khoán về 387 tỷ đồng tại cuối năm, toàn bộ là trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi.