Doanh nghiệp

"Nhiều cơ hội thúc đẩy lĩnh vực F&B"

Ông Eddy Malesky có hơn 20 năm gắn bó với doanh nghiệp Việt Nam. Mới đây, ĐH Duke (Mỹ) đã phối hợp với Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV), ĐH Kinh tế Quốc Dân (NEU), và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức khóa học nâng cao năng lực quản lý của các cơ sở dịch vụ ăn uống vừa và nhỏ ở Việt Nam, do USAID tài trợ. Với vai trò là chuyên gia, ông Eddy Malesky đưa ra các nhận định về năng lực quản trị của các cơ sở kinh doanh F&B tại Việt Nam.

- Tại sao chương trình đào tạo lần này lại tập trung vào chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ, thưa ông?

- Có hai lý do chính cho việc này. Thứ nhất, dịch vụ là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế ở Việt Nam. Đóng góp của ngành này vào sự tăng trưởng và nhu cầu việc làm cũng đang tăng lên. Việc quản lý tốt hơn và nâng cao năng suất trong lĩnh vực này là điều cần thiết để giúp các nhà hàng phát huy hết tiềm năng của mình.

Thứ hai, theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm nay, mối lo ngại về sức khỏe trong đại dịch và các lệnh phong tỏa liên quan có ảnh hưởng đến ngành dịch vụ trong nước, đặc biệt là nhà hàng, cụ thể là suy giảm doanh thu và gặp nhiều khó khăn để có thể trở lại mức hiệu suất như trước đại dịch. Do đó, các đơn vị tham gia chương trình thấy cần thiết có bước hỗ trợ cho lĩnh vực kinh doanh ăn uống.

- Ông đánh giá thế nào về năng lực quản trị của các cơ sở kinh doanh F&B tại Việt Nam, nhất là sau Covid-19?

- So với các nước trong khu vực, lĩnh vực nhà hàng ở Việt Nam vẫn đi sau một bước. Có một số ít doanh nghiệp hoạt động theo các tiêu chuẩn quốc tế và đạt hiệu quả cao; tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp thường do gia đình quản lý dựa theo kinh nghiệm và chưa được đào tạo chính thức. Bởi vậy, dù nỗ lực, các doanh nghiệp kiểu này thường gặp những rào cản về hiệu suất và tăng trưởng khó có thể vượt qua. Chỉ cần những thay đổi nhỏ về phương thức quản trị, ví dụ như trong quản lý nguồn nhân lực, kiểm soát nội bộ trong kê khai hàng tồn kho và thiết bị, hay việc thiết lập các chỉ số hiệu suất chính, sẽ mang lại những thay đổi lớn.

Lĩnh vực nhà hàng ở Việt Nam vẫn kém phát triển

Ông Eddy Malesky - Giám đốc Trung tâm phát triển quốc tế (DCID) tại Đại học Duke, Mỹ.

- Cơ hội và thách thức của các cơ sở kinh doanh ăn uống tại Việt Nam là gì?

- Chúng tôi tin rằng cơ hội trong lĩnh vực F&B này là rất lớn. Trước đại dịch, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam đã tạo ra một tầng lớp trung lưu lớn và đang tăng lên với thu nhập cao. Xã hội ngày nay đang tìm kiếm các hoạt động giải trí đa dạng và sáng tạo hơn, kinh doanh nhà hàng có thể phát triển để đáp ứng nhu cầu đó. Đồng thời, các đơn vị cũng cũng có những thách thức ở phía trước. Trong đó, xu hướng M&A trong lĩnh vực này đang khá sôi động và chỉ những doanh nghiệp lớn mới tồn tại và phát triển.

- Theo ông các cơ sở kinh doanh cần làm gì để thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn này?

- Sau Covid-19, việc kết hợp công nghệ thông tin vào các hoạt động F&B ngày càng trở nên phổ biến. Tỷ trọng doanh thu ngày càng tăng đến từ các nền tảng số như Grab, ShopeeFood, Baemin... Khách hàng đã quen và đang đòi hỏi các doanh nghiệp F&B chuyển đổi thêm cả kênh trực tuyến. Xu hướng số hóa này sẽ tiếp tục trong tương lai và mở ra rất nhiều cơ hội chưa được khai thác cho các doanh nghiệp (về cơ sở khách hàng, doanh số, chiến lược giảm chi phí mới...). Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi các doanh nghiệp F&B phải bỏ lại phía sau một số hoạt động quản lý truyền thống, thay vào đó họ cần nhanh nhẹn, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng.

- Để phù hợp với đặc thù kinh doanh nhỏ lẻ, khóa đào tạo được thiết kế ra sao?

- Đại học Duke sẽ làm việc với Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để đào tạo cho các chủ nhà hàng, đặc biệt là các chủ nhà hàng vừa và nhỏ. Các chuyên gia của Viện Phát triển bền vững tại Đại học Kinh tế Quốc dân (ISD-NEU), chịu trách nhiệm thiết kế các chương trình đào tạo và cung cấp giảng viên. Học viên sẽ được đào tạo phù hợp với bối cảnh của ngành dịch vụ ăn uống và được thiết kế theo phản hồi từ Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV).

Khóa đào tạo nhằm mục đích dẫn đến sự cải thiện đáng kể và lâu dài trong thực tiễn quản lý và năng suất nhân sự. Học viên sẽ được chỉ định vào một trong bốn thành phần (kỹ năng quản lý, marketing, kiểm soát nội bộ và quy tắc ứng xử). Kỹ năng quản lý và marketing là những chủ đề đã quen thuộc với các chủ doanh nghiệp Việt Nam. Đào tạo về quy tắc ứng xử và kiểm soát nội bộ là những chủ đề khá mới, nhằm mục đích khơi gợi các giá trị đạo đức, tăng cường năng lực quản lý nhân viên và đảm bảo tuân thủ quy định quản lý của nhà nước.

Ngoài các bài giảng trên lớp, khóa đào tạo sẽ bao gồm các bài giảng và trao đổi kinh nghiệm thực tế của các chủ nhà hàng thành công. Học viên hoàn thành cả chương trình học sẽ nhận được chứng chỉ từ cả Đại học Duke và Đại học Kinh tế Quốc dân.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm