Theo Luật Quản lý thuế, các cây xăng bán lẻ phải xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng sau từng lần bán từ tháng 7/2022. Tuy nhiên, đến nay, chỉ 2 doanh nghiệp là Petrolimex và Saigon Petro thực hiện với trên 2.700 cửa hàng (chiếm 16% cả nước).
Những khó khăn khi thực hiện quy định xuất hóa đơn điện tử bán lẻ từng lần được nhiều doanh nghiệp xăng dầu nêu tại Hội nghị Đối thoại với ngành thuế, hải quan ngày 13/12.
Đại diện Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang nói các chủ cây xăng trên địa bàn "đang rất băn khoăn" về những vướng mắc khi xuất hóa đơn điện tử.
Theo vị này, việc lắp đặt thiết bị để in hóa đơn điện tử sẽ rất tốn kém nhưng đa số không có nhu cầu. Thêm vào đó, thời gian in mỗi hóa đơn sẽ mất tới 5 phút có thể gây ách tắc tại cây xăng. "Chi phí in trung bình 662 đồng cho một hóa đơn. Vậy chi phí này doanh nghiệp chịu hay ai", ông nêu vấn đề.
Không chỉ ở Tuyên Quang, hiện một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, vẫn còn loay hoay khi triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần. Chủ một cây xăng khác tại Yên Bái nói cũng đang chờ những hướng dẫn cụ thể hơn từ cơ quan thuế về kết nối hệ thống và yêu cầu khi xuất hóa đơn cho khách lẻ. Chủ doanh nghiệp này cho biết đang phân vân khi có nhiều đơn vị cung cấp giải pháp chào mời với các mức chi phí khác nhau.
Một số doanh nghiệp tư nhân như ông Hùng (ở Hà Tĩnh) cũng thừa nhận chi phí đầu tư là vấn đề chính và mong muốn Nhà nước hỗ trợ triển khai phần mềm miễn phí, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp.
"Chi phí phát sinh, khó khăn là có, đặc biệt với những doanh nghiệp nhỏ lẻ mà chủ doanh nghiệp chỉ có 1 cửa hàng", ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhìn nhận. Theo ông, nhiều doanh nghiệp muốn tuân thủ quy định nhưng bản thân họ không có tiềm lực mạnh về tài chính và hệ thống như các đơn vị lớn nên khi triển khai còn lúng túng.
Trong đơn kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng ngày 3/12, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng phản ánh họ gặp khó khăn về nhân lực và kêu lãng phí khi phải bỏ hoặc thay mới các thiết bị để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý. Ước tính, mỗi cửa hàng phải chi khoảng 400 triệu đến 1 tỷ đồng để trang bị hạ tầng.
Một thương nhân kinh doanh xăng dầu tại Hà Tĩnh cho hay, chi phí thay thế cột bơm hiện dao động 135-500 triệu đồng, bộ đầu tính đo đếm 40-50 triệu đồng, và thiết bị in khoảng 3 triệu đồng mỗi cột bơm. Chẳng hạn một cây xăng có 3 trụ bơm, khoản tiền phải đầu tư, nâng cấp thiết bị lên tới cả tỷ đồng.
Chia sẻ với những lo ngại của doanh nghiệp, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết theo báo cáo của Petrolimex và Saigon Petro, chi phí in chỉ khoảng 20-60 đồng cho mỗi hoá đơn. Doanh nghiệp cũng có nhiều lựa chọn phù hợp với hàng chục đơn vị cung cấp lắp đặt thiết bị trên thị trường.
Hướng dẫn cụ thể, ông Minh cho hay, với khách hàng không lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu vẫn phải lập nhưng không nhất thiết phải có đầy đủ thông tin người mua. "Hóa đơn thực hiện theo phần mềm, tự động, lưu trữ điện tử, không phải in ra nên sẽ không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy", đại diện cơ quan thuế nói.
Trước lo ngại ách tắc tại cây xăng, ông Minh dẫn trường hợp Petrolimex cho biết doanh nghiệp này thực hiện từ ngày 1/7 tại 2.700 cửa hàng thuộc hệ thống nhưng không xảy ra tình trạng này.
Hôm 5/12, Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh, thành phối hợp lập đoàn liên ngành khảo sát thực tế hạ tầng ở các điểm bán. Mục đích là để nắm bắt thực tế hạ tầng kỹ thuật, khả năng đáp ứng việc xuất hóa đơn từng lần của các cửa hàng. Từ đó, đoàn liên ngành đề xuất giải pháp và phát hiện, xử lý các trường hợp không thực hiện.
Theo ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), toàn ngành đang triển khai quyết liệt các giải pháp tại địa phương và sẽ "đồng hành với doanh nghiệp để có thể triển khai theo đúng tiến độ của Thủ tướng giao".
Tại Hà Nội, đến 30/11, mới có gần 150 trên tổng số 450 cửa hàng áp dụng được thực hiện hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Như vậy, vẫn còn hai phần ba cửa hàng chưa thực hiện quy định. Số cây xăng này thuộc 240 doanh nghiệp với gần 2.000 cột bơm.