Quý 3/2023, các phân khúc đều ảm đạm
Báo cáo của Savills Việt Nam về thị trường bất động sản Hà Nội Quý 3/2023, ghi nhận tình hình hoạt động đều chậm trên hầu hết các phân khúc. Cụ thể, với thị trường Căn hộ, Báo cáo cho thấy nguồn cung mới trong quý 3/2023 giảm 47% theo quý và 65% theo năm và toàn bộ là căn hộ Hạng B. Nguồn cung sơ cấp giảm 3% theo quý và 6% theo năm.
Theo báo cáo của đơn vị này, giá căn hộ sơ cấp tăng 2% theo quý và 13% theo năm, và được ghi nhận cao hơn 77% so với quý 1/2019; Giá thứ cấp tăng 2% theo quý và 8% theo năm.
Số lượng căn bán được trong quý 3/2023 giảm 16% theo quý và 42% theo năm. Bên cạnh đó, số lượng căn bàn giao giảm 26% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2025, thúc đẩy nhu cầu thứ cấp và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Gia Lâm đã lên quận trong quý này và dự kiến sẽ bổ sung hơn 8.000 căn hộ cho nguồn cung tương lai, được hưởng lợi từ việc hoàn thành giai đoạn 2 cầu Vĩnh Tuy trong quý 3/2023 và cầu Đuống vào năm 2025.
Nguồn cung trong Q4/2023 chủ yếu đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Hạng B tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất trong nguồn cung tương lai.
Nhận định về tình hình hoạt động của thị trường căn hộ, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội, đánh giá: “Thị trường bất động sản nhà ở vẫn tồn tại nhiều thách thức. Các luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho thị trường nhà ở phát triển.”
Là cơ hội tốt cho người sẵn tiền mặt
Tương tự, nhận định về thị trường BĐS trong nước những tháng cuối năm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – BĐS Dat Xanh Services cho rằng thời điểm quý 4 thị trường BĐS sẽ ấm dần lên và ông đưa ra ba kịch bản cho thị trường bất động sản quý 4/2023. Cụ thể:
Kịch bản lý tưởng, nguồn cung giảm 20-30%, lãi suất dưới 10-12%, giá bán tăng nhẹ, tỷ lệ hấp thụ 40-50%.
Kịch bản kỳ vọng, nguồn cung giảm 30-50%, giá bán đi ngang, lãi suất 11-13%, tỷ lệ hấp thụ 20%
Kịch bản thách thức, nguồn cung giảm trên 50-60%, giá bán giảm 20%, lãi suất trên 14% tỷ lệ hấp thụ 10%.
Đến quý 2/2024, thị trường mới bắt đầu hồi phục và đà tăng trưởng sẽ rõ ràng hơn từ năm 2025.
Còn theo ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Tiếp thị nhà ở, CBRE Việt Nam thì cho rằng, thị trường BĐS đang ở thời điểm ‘shopping time’, tức là dịp tốt để mua bằng tiền mặt.
Theo ông Kiệt, nguồn cung và sức cầu BĐS đang chuyển biến tích cực. Thời gian qua, nhiều dự án công bố đã có giấy phép xây dựng, hoặc giải tỏa được áp lực tài chính, tức là các khó khăn, vướng mắc cơ bản được tháo gỡ.
Các lý do để lạc quan bao gồm: Chính phủ đang tập trung tháo gỡ vướng cho các doanh nghiệp, dự án; lãi suất giảm và ngân hàng nới lỏng tín dụng cho bất động sản; nhiều dự án bắt đầu được phép xây dựng, bán hàng.
Ông Kiệt nhận định, thị trường BĐS đang ở thời điểm "shopping time", tức là dịp tốt để mua bằng tiền mặt.
“Lúc này, có nhiều sản phẩm bất động sản giá bán thấp hơn giai đoạn trước, phù hợp nhu cầu mua để ở hoặc cho thuê. Trường hợp mua đầu tư thì nên hướng tới mục tiêu dài hạn bởi thị trường khó sôi động trong ngắn hạn” - ông Huỳnh Tuấn Kiệt lưu ý.